Những biến tướng kỳ dị của thị trường vàng mã
Những năm gần đây, thị trường vàng mã tại Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình đáng kể khi các nhà sản xuất không ngừng sáng tạo, cập nhật xu hướng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Từ những mẫu vàng mã truyền thống, giờ đây các sản phẩm đã được "hiện đại hóa" với hình dáng, thiết kế và mẫu mã độc đáo, phản ánh các biểu tượng văn hóa đương đại.
Không chỉ dừng lại ở các vật dụng gia đình quen thuộc, vàng mã giờ còn xuất hiện với những sản phẩm xa xỉ như xe hơi, biệt thự, iPhone, đáp ứng nhu cầu gửi gắm của khách hàng đối với người đã khuất, và cũng thể hiện sự bắt nhịp của thị trường với xu hướng tiêu dùng thời đại. Song, ngành công nghiệp này đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như góp phần gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên…
Vàng mã được xem là phương tiện kết nối giữa người trần với linh hồn đã khuất. Tuy nhiên, nhiều người dân đã biến tướng văn hóa tín ngưỡng, tận dụng niềm tin tâm linh để sản xuất ra các mặt hàng thương mại hóa. Từ những sản phẩm đơn điệu như tiền, quần áo, vật phẩm sinh hoạt hàng ngày, giờ đây vàng mã xuất hiện đầy rẫy những sản phẩm lệch lạc với văn hóa tâm linh.
Tại các xưởng sản xuất, các loại vàng mã “độc lạ” như bikini, giày cao gót, điện thoại, iPad, biệt thự, xe hơi, thậm chí cả người giúp việc làm bằng mã, được sử dụng với mục đích 'gửi' cho người đã khuất bán ra với số lượng lớn. Sự ra đời của những mặt hàng vàng mã này thực chất phản ánh sự sai lệch và biến dạng từ quan niệm 'trần sao âm vậy'. Điều này không chỉ cho thấy sự phát triển kinh tế mà còn thể hiện tình trạng vàng mã đang bị lạm dụng và biến chất.
Sinh ra tại thủ phủ “vàng mã” Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Văn hóa đốt vàng mã đã xuất hiện từ lâu đời và ăn sâu vào tín ngưỡng dân gian. Nhưng gần đây, tập tục này đã bắt đầu có dấu hiệu biến tướng thành những hiện tượng mê tín dị đoan. Người ta quá chú trọng đến khía cạnh vật chất mà dường như đã lãng quên giá trị tinh thần cốt lõi”, biết rằng “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng việc đốt những mô hình nhà cửa, ô tô, xe máy đã làm sai lệch bản chất của tín ngưỡng dân gian.
Ranh giới mỏng manh giữa niềm tin và mê tín
Tục đốt vàng mã trở thành một nét đẹp truyền thống tồn tại sâu bên trong niềm tin với ý niệm hướng về tổ tiên, nguồn cội để tỏ lòng thành kính và biết ơn. Bởi lẽ, người dân Việt Nam quan niệm, sau khi qua đời, con người vẫn có những nhu cầu như ở dương thế ngay cả khi sang một thế giới khác. Vì vậy, ở mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp,...và đặc biệt là Rằm tháng Bảy, người dân vẫn thường đốt vàng mã để gửi lòng thành đến với người đã khuất.
Người xưa quan niệm rằng “lễ bạc lòng thành”, việc đốt vàng mã không chỉ là hình thức bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ tổ tiên, mà còn hy vọng tổ tiên được an yên ở thế giới bên kia. “Tấm lòng thành” - sự tri ân và lòng sâu sắc luôn được đề cao trong việc gửi gắm vàng mã đến cõi âm.
Anh Võ Hiền Vân (công tác tại Cục thuế Thành Phố Hà Nội): “Đốt vàng mã là thể hiện niềm tin sâu thẳm bên trong mỗi người. Việt Nam mình là một nước tự do tín ngưỡng, bất kể ai cũng có quyền được tồn tại tín ngưỡng trong tâm thức của mình.”
Chia sẻ về quan điểm “trần sao âm vậy”, cô Hoàng Thị Đàn (Trưởng ban quản lý di tích Chùa Hà) bày tỏ: “Nhà chùa tạo điều kiện đốt vàng cho người âm, nhưng chỉ hóa một xấp nhỏ. Tới các lễ lớn được yêu cầu, nhà chùa mới đốt thêm mã. Ý niệm của việc đốt vàng mã của ngày trước chỉ đơn giản là lòng hiếu thảo và niềm tin của người sống ở dương thế. Mọi lễ nghĩa trong quá trình đốt vàng mã sẽ phụ thuộc vào lòng thành kính, tâm thức của người ta”.
Trong vòng xoay lẫn lộn giữa tín ngưỡng và mê tín, ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê muội, dần trở nên biến tướng và là điểm yếu để gian thương trục lợi.
Thực tế, hiện nay nhiều người đi lễ chùa, lễ phật hay đốt vàng mã cúng bái tổ tiên luôn suy nghĩ “tốt lễ dễ kêu”. Như dùng đồ lễ to, sắm vàng mã thật lớn… có những lễ trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Lễ lớn thì dễ “xin xỏ”, để được “ban” nhiều phúc, nhiều tài lộc, may mắn. Không ít người ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, hay môi trường, mà là mê tín, và đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt.
Từ một mục đích vốn dĩ rất tốt, rất thánh thiện lại dần biến tướng chẳng khác nào hành động “mua chuộc, nịnh bợ, đút lót thần linh và người chết” thể hiện lòng tham, si của con người. Từ một phong tục mang tính tâm linh của người đang sống dành cho người đã khuất mà dần trở thành một vấn nạn của xã hội.
Việc kính hiếu ông bà tổ tiên là truyền thống quý báu trong đạo làm người. Tuy nhiên, đốt nhiều “của cải” không đồng nghĩa với tấm lòng thành kính. Lòng hiếu thảo không nên bị đo lường qua số lượng hay giá trị của vàng mã, mà bằng cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên và cộng đồng.
Phản hồi