Danh mục Chủ Nhật, 22/12/2024

Tiêu điểm \

Hồn cốt văn hóa “Múa rối cạn Tế Tiêu” trong dòng chảy thời gian

18:28 21-12-2024
Múa rối cạn Tế Tiêu với nét độc đáo và đậm đà bản sắc dân gian, không chỉ là di sản quý giá mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của múa rối nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.

Nét đẹp văn hóa truyền thống từ xưa

Rối cạn Tế Tiêu là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, gắn liền với lịch sử và văn hóa của làng Tế Tiêu với hơn 400 năm tồn tại ở thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) đã dần “hồi sinh” sau thời gian dài bị quên lãng.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng chia sẻ rằng, cha anh, cụ Phạm Văn Bể, đã bắt đầu gắn bó với nghề rối từ năm 1957. Trước nguy cơ mai một của nghề truyền thống quê hương, cụ Bể đã quyết tâm gìn giữ và phục hồi nghệ thuật rối Tế Tiêu. Nhờ những nỗ lực đó, rối Tế Tiêu đã được hồi sinh mạnh mẽ sau một thời gian dài gián đoạn, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này.

Bắt nguồn vào thời Lê Trung Hưng, các bậc tiên hiền sau khi về Tế Tiêu khai hoang, lập làng, dạy người dân trồng lúa đã sáng tạo ra múa rối cạn và truyền lại cho dân làng. Từ đây, trò rối cạn phát triển, trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân.

Múa rối cạn là hoạt động văn hóa tinh thần của người dân phường Tế tiêu. (Ảnh: Sưu tầm)

Trong lịch sử nghệ thuật rối Việt Nam, Tế Tiêu là ngôi làng hiếm hoi lưu giữ được thú chơi rối cạn. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối thì 5 di sản rối nước: Rối nước Đào Thục (Đông Anh), rối nước Sài Sơn (Quốc Oai), rối nước làng Ra, rối nước làng Yên, rối nước Chàng Sơn (cùng ở huyện Thạch Thất). Duy chỉ có ở phường rối Tế Tiêu còn lưu giữ lại nghệ thuật múa rối cạn cùng rối tuồng - một loại hình diễn xướng rất độc đáo. 

Anh Bằng cũng nói thêm: “Rối cạn Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của các thành phần khác nhau như sân khấu, quân rối, trò và tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, văn học, hát thoại... Để điều khiển con rối một cách tròn vai, nghệ nhân phải thật khéo, hóa thân vào nhân vật và có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau”

Anh Phạm Công Bằng là nghệ nhân nối nghiệp cha theo nghề múa rối cạn Tế Tiêu. (Ảnh: Sưu tầm)

Với nhiều nét đặc sắc riêng, múa rối cạn Tế Tiêu không thể lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Từ những nhân vật với tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc với màu sắc rực rỡ đậm chất dân gian đến những nhạc cụ dân tộc truyền thống được sử dụng liên tục để phục vụ các tích trò rối cạn Tế Tiêu như đàn nhị, đàn tam,… Trong đó làn điệu dân ca, hát nói, hát ngâm mà còn được chắt lọc từ nhiều thể loại kịch hát dân tộc gồm tuồng chèo, hát văn, quan họ. Càng đặc biệt hơn, sân khấu rối cạn có thể cố định dưới dạng thủy đình hoặc sân khấu di động để phục vụ việc lưu diễn của phường rối ở bất cứ đâu.

Sân khấu trình diễn múa rối cạn Tế Tiêu ở Làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh: BTC)

Vậy trong dòng chảy của xã hội hiện nay, làm thế nào để giữ hồn văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ biết tới và trân trọng. Và liệu các bạn trẻ ngày nay có thực sự quên đi những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống?

Thế hệ trẻ ngày nay gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống

Mới đây, sự xuất hiện của múa rối cạn Tế Tiêu trong tuần lễ văn hóa làng lụa Vạn Phúc được tổ chức bởi nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho thấy sự tiếp nối và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại ngày nay. Bạn Phương Anh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Mình nghĩ là việc giữ gìn và quảng bá thông qua các sự kiện như này là một điều rất là tốt tại vì là NSND Tự Long có câu: “Văn hoá còn là dân tộc còn” thì đối với bản thân mình thì mình rất là ủng hộ tất cả các sự kiện nhằm với mục đích là để lan tỏa, quảng bá văn hóa để đến gần hơn với công chúng và đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay.”

 

Những nhân vật trong rối cạn được tạo hình ngộ nghĩnh, mang màu sắc rực rỡ, đậm tính dân gian. (Ảnh: BTC)

Không chỉ dừng lại ở sự tự hào, trân trọng đối với những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc, mà giờ đây các bạn trẻ đã biến nó trở thành hành động, mong muốn đóng góp một phần công sức của mình để lan tỏa và giữ gìn những giá trị lịch sử và văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc.

“Hiện nay giới trẻ đã được tiếp xúc với rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau nhưng mà với múa rối, cụ thể là nghệ thuật múa rối cạn khá kén khán giả nhưng vô cùng độc đáo, có những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Chính vì thế, chúng mình tổ chức sự kiện múa rối cạn Tế Tiêu nhằm quảng bá nét đẹp di sản văn hóa nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng đặc biệt là các bạn trẻ.” Chị Bùi Lan Anh, trưởng BTC của chương trình Mộc Hành Địa Ca chia sẻ.

Các nghệ nhân múa rối cạn Tế Tiêu đang tập luyện trước giờ chạy sự kiện. (Ảnh: BTC)

Để có thể đưa múa rối cạn đến gần với công chúng, chị Lan Anh cho biết thêm “Nếu chỉ xem một buổi múa rối cạn thì chưa đủ để truyền tải thông điệp về loại hình múa rối cạn này đến mọi người, chính vì thế chúng mình đã làm thêm rất nhiều hoạt động. Đầu tiên chúng mình đã làm một cái triển lãm để cho mọi người có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành của múa rối cạn Tế Tiêu. Bên cạnh đó, trong sự kiện chính lần này, có thêm cái hoạt động tương tác với khán giả như điều khiển rối với sự hướng dẫn của các nghệ nhân hay tham gia các trò chơi dân gian như là tô màu trên tranh gỗ, chơi truyền, chơi ô oan quan,..” 

Các khán giả nhí đang tham gia các trò chơi dân gian do các bạn sinh viên tổ chức. (Ảnh: BTC)

Sự kiện đã tái hiện một không gian hội làng sống động, mang khán giả như được “xuyên không” về làng quê Việt Nam xưa, với những nét văn hóa dân gian độc đáo. Có rất nhiều những hoạt động từ chính những sự sáng tạo của các bạn trẻ hẳn đã thổi một làn gió mới đầy năng động, trẻ trung, nhiệt huyết đến với nghệ thuật truyền thống Múa rối cạn.

Bên cạnh đó, Anh Phạm Công Bằng cũng chia sẻ thêm bản thân là một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống về múa rối, có cha là “nghệ sĩ nông dân” Phạm Văn Bể, cùng các thành viên trong gia đình đã gắn bó nhiều năm với nghề múa rối. Nên anh đã sớm nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật rối cạn, quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của cha ông.

“Xã hội phát triển và thay đổi nên chúng tôi cũng phải thay đổi để rối cổ sống được với đương đại. Vậy nên gần đây, bên cạnh các vở diễn kinh điển kể chuyện lịch sử, chúng tôi đã sáng tạo những trò diễn mới hiện đại gần gũi với cuộc sống hơn. Đồng thời, thông qua trò diễn nhằm phê phán các thói hư tật xấu, biểu dương tấm gương tốt, chuyển tải thông điệp giáo dục đối với người trẻ”, nghệ nhân Phạm Công Bằng cho hay.

Múa rối cạn Tế Tiêu, với sự hòa quyện độc đáo của các yếu tố nghệ thuật dân gian, giờ đây không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà còn là lời gửi gắm của cha ông ta trong việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Diệu Tâm - BMĐT CLC K42

Phản hồi