Hội thảo có sự tham dự của PGS,TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; GS,TS. Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có PGS,TS. Lưu Văn An - Phó giám đốc Phụ trách Học viện; PGS,TS. Mai Đức Ngọc - Phó giám đốc Học viện; PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong Học viện, các nhà khoa học, các chuyên gia về báo chí – truyền thông trong và ngoài Học viện. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của các nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Học viện.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Đề tài khoa học cấp Bộ “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì, do Viện Báo chí thực hiện và PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí là chủ nhiệm đề tài.
Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo... trao đổi, luận bàn về những vấn đề lý luận, thực trạng và hệ thống giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, sinh viên có thể nhận thức một cách rõ ràng, đầy đủ, chính xác về thực trạng của vấn đề đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc và cách xử lý cần thiết với nguồn thông tin đó.
Hội thảo cũng góp phần hình thành hệ thống và phương pháp tư duy, định hướng tư tưởng của sinh viên báo chí trong quá trình xử lý thông tin tiếp cận được theo định hướng phù hợp, đúng đắn với quan điểm của Đảng. Những thông tin được đưa ra cần có tính chính xác cao, đúng đắn và khách quan để người đọc có thể đứng trên lập trường tư tưởng của bản thân để phán đoán, nhìn nhận vấn đề mà không bị tư tưởng của tác giả làm ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình đánh giá thông tin.
Trên các kênh truyền thông, mọi thông tin được đăng tải phải chính xác; hạn chế đưa những thông tin chưa được xác thực, những thông tin không giá trị đối với đại đa số người đọc bởi lượng thông tin này có thể khiến tư tưởng của người đọc bị phân tán, mất đi tập trung tư duy. Tuy rằng, những thông tin này chưa phải là những thông tin sai lệch, xuyên tạc nhưng nó cũng là nhân tố góp phần tạo nên định hướng tư tưởng của người đọc khi phải tiếp cận nguồn thông tin mang giá trị thấp quá lớn, sẽ khiến người đọc khó có thể nhận thức ra được đâu là nguồn thông tin mang giá trị cao và cần thiết. Điều này, cũng có thể khiến những tin tức chân thực, đúng đắn bị chìm ngập trong “bãi rác” văn tự.
Hội thảo đã trình bày 9 bài tham luận tiêu biểu và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học về mọi khía cạnh của vấn đề nêu trên. Qua buổi hội thảo, sinh viên, nghiên cứu sinh, người làm báo đã có cái nhìn tổng quát hơn về cơ sở lý luận và thực tiễn; có khả năng nhận diện, phân tích thực trạng chủ thể, nội dung, phương thức và hình thức xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin Việt Nam hiện nay.
Phản hồi