Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Tiêu điểm \

Hành trình bốn lần tham gia tuyến đầu chống dịch của nam điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai

11:54 23-08-2021
"Tôi may mắn được tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch khi cả bốn làn sóng COVID lớn đổ bộ tại Việt Nam... Đôi lúc mệt mỏi nhưng vẫn luôn cống hiến hết sức mình vì cộng đồng", điều dưỡng Tạ Bá Toàn chia sẻ.

4 lần tham gia tuyến đầu chống dịch

Hoạt động trong lĩnh vực y tế, là một điều dưỡng có kinh nghiệm dày dặn tại bệnh viện Bạch Mai, anh Tạ Bá Toàn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch ngay từ khi làn sóng COVID-19 đầu tiên đổ bộ về Việt Nam. Đối với anh, lần công tác nào cũng đều ý nghĩa và thiêng liêng vô cùng.

Điều dưỡng Tạ Bá Toàn. (Ảnh: Facebook Tạ Toàn)

"Lần thứ nhất, COVID-19 đổ ngay vào chính nơi tôi đang công tác là bệnh viện Bạch Mai. Khi đó chúng tôi phát hiện ra một số ca dương tính là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Sau đó phải cách ly tất cả các bệnh nhân và nhân viên y tế trong bệnh viện", anh Toàn kể lại. Khi đó, điều dưỡng Toàn vừa phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân vừa tiến hành cách ly trong bệnh viện 14 ngày. Những ngày đầu đối mặt với COVID-19, anh Toàn và mọi người đã trải qua muôn vàn khó khăn khi đối tượng là chủng virus biến thể có khả năng lây nhiễm trong không khí. Nhớ lại khoảng thời gian ăn ở chung và chăm sóc cho bệnh nhân, anh lại cảm thấy đầy tự hào với sự kiên cường của bản thân và các đồng nghiệp của mình.

Tháng 7/2020, dịch bệnh bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp. Với tinh thần trách nhiệm của một nhân viên y tế, anh Toàn đã tham gia vào đoàn công tác đặc biệt, theo chân các chuyên gia đầu ngành từ bệnh viện Bạch Mai vào tâm dịch “Đà Nẵng” làm công tác chống dịch. Đây cũng chính là chuyến công tác để lại cho anh nhiều ấn tượng và kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Mặc dù phải xa vợ con và gia đình, nhưng anh luôn chú tâm vào công việc. Ban ngày bận rộn với công việc, ban đêm chính là lúc anh hướng tới hậu phương nơi quê nhà cũng đang gồng mình chiến đấu với đại dịch. Chính điều đó đã thôi thúc anh Toàn giữ vững ý chí, tinh thần chiến đấu, sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch nơi tiền tuyến.

Điều dưỡng Bá Toàn và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chống dịch tại Đà Nẵng.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại Việt Nam bắt đầu, anh tiếp tục phải xa gia đình và tham gia công tác phòng chống dịch tuyến đầu, cùng thành lập bệnh viện dã chiến, hỗ trợ tỉnh Điện Biên của đoàn công tác bệnh viện Bạch Mai. 

Cho đến thời điểm hiện tại, khi làn sóng dịch bệnh thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp, anh cùng các đồng nghiệp tiếp tục tham gia vào đoàn công tác hỗ trợ tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/8. Đoàn công tác của anh đang đảm nhiệm bệnh viện dã chiến số 16. Đây là trung tâm hồi sức chuyên thu dung và điều trị các ca bệnh mắc COVID-19 nặng nhất. 

Từ những ngày đầu tham gia công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, điều dưỡng Toàn đã phải trải qua nhiều khó khăn: "Đội ngũ y sĩ chúng tôi khi tham gia công tác chống dịch sẽ trang bị đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân để đảm bảo không bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân. Việc được trang bị đồ bảo hộ thì khá an toàn nhưng cũng có nhiều trở ngại. Chúng tôi phải hoạt động liên tục trong nhiều giờ và chăm sóc bệnh nhân trong lớp đồ bảo hộ nên rất nóng và khó chịu. Thậm chí có những ngày chúng tôi phải làm việc liên tục từ 10-12 giờ. Có những ngày nắng nóng đỉnh điểm tại Việt Nam, chúng tôi mặc đồ bảo hộ được 1-2 tiếng thì đã ướt sũng người và rất khó thở". Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều khó khăn mà đội ngũ y bác sĩ đang tham gia phòng chống dịch như anh phải trải qua. Bởi vì khó khăn còn đến từ việc thiếu thốn các trang thiết bị cũng như các vật tư y tế. Anh chia sẻ, COVID-19 diễn ra phức tạp, có thể gây tử vong cho bệnh nhân nên mọi hoạt động khám chữa bệnh đều phải hết sức cẩn trọng. 

Chủ động tư tưởng, luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu

Sau nhiều lần đối mặt với các làn sóng COVID-19, anh Tạ Bá Toàn đã chủ động về tư tưởng cho mình, luôn sẵn sàng "ra trận" khi nhận được lệnh kêu gọi. 

Điều dưỡng Toàn kể lại: "Có một kỉ niệm mà tôi nhớ nhất vào tháng 7/2020 khi làm sóng COVID-19 thứ hai trở lại Việt Nam. Lúc đó tôi đang ăn cơm trưa cùng gia đình, thì nhận được lệnh khẩn cấp từ cơ quan. Trong vòng hai tiếng, tôi phải chuẩn bị mọi thứ để lên đường bay vào thành phố Đà Nẵng hỗ trợ chống dịch." Sau những lần như vậy, việc điều động bất ngờ đối với anh đã trở nên bình thường.

"Trong thời điểm đó, con trai tôi đang bị sốt cao nên tôi vô cùng lo lắng. Nhưng vì hoạt động trong lĩnh vực y tế và vì trách nhiệm chung của cộng đồng nên tôi phải luôn sẵn sàng chiến đấu cùng mọi người", anh tâm sự thêm. Khi tham gia chống dịch lần thứ hai, anh Toàn ban đêm ở khách sạn một mình và rất nhớ gia đình, lo lắng cho con bị sốt đã đỡ chưa. 

Trước những nỗi bất an và lo lắng, anh Toàn đã đăng tải một bài viết trên trang cá nhân Facebook để thể hiện tình cảm của mình. “Thương con trai của bố, ngày bố nhận lệnh lên đường chống dịch, con trai bố sốt cao 40 độ, nôn mửa, con kêu mệt nhiều. Bố thương con lắm nhưng chỉ biết để trong lòng. Vì sự bình an của con trai bố, những người bố yêu thương, vì ở nơi đây cần bố. Sáng nay mẹ điện báo con đã hết sốt, bố mới yên tâm công tác. Mong sao bệnh dịch sớm được đẩy lùi, để bố sớm được về với các con”.

Với những dòng tâm thư đầy xúc động, anh đã nhận được rất nhiều lời động viên từ tất cả mọi người. "Tôi khá vui khi dòng status đăng tải lên mạng xã hội thì rất được nhiều anh chị em, đồng nghiệp cũng như cộng đồng mạng thông cảm, sẻ chia và động viên rất nhiều. Từ đó giúp tôi có nhiều động lực hơn để chống chọi với đại dịch", anh chia sẻ.

“Bức tâm thư” nhắn gửi con trai được đăng tải trên trang cá nhân của anh Toàn.

Theo dõi trang Facebook của “người anh hùng áo trắng” này, có thể thấy anh rất hay chia sẻ hình ảnh vợ con cùng nhiều dòng tâm sự. Anh cũng thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp của đồng nghiệp mình đang ra sức làm việc không ngừng nghỉ vì cộng đồng. Điều này mang lại nhiều thông điệp tích cực đến cho mọi người và xã hội.

Trò chuyện với chị Nguyễn Kim Huế, người vợ nơi hậu phương luôn đứng sau cùng các con thương và ủng hộ chồng hết mình, mới biết chị là người vợ yêu thương chồng hết mực. Nhắc tới kỷ niệm đáng nhớ lúc anh Toàn vội vã nhận lệnh đi công tác, chị Huế lại rưng rưng. Chị kể lại ngày anh Toàn đi chống dịch ở Đà Nẵng, lại đúng vào hôm bé thứ hai nhà anh bị sốt cao 39 độ. Bé bị chóng mặt, nôn nhiều, không ngồi và đi được. Lúc đó, nếu như bố bé có nhà thì đã có thể chăm sóc thuốc men cẩn thận và biết cách hơn cho con. Nhưng lúc đó, mình mình chị phải chăm con, mất hai ngày hai đêm túc trực, chườm ấm giúp con hạ sốt. Rơi vào hoàn cảnh đó, chị không dám ngủ vì sợ con bị sốt cao hơn bất chợt và có thể gặp nguy hiểm. 

 Chị Huế bên cạnh người chồng yêu quý Tạ Bá Toàn.

Nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt, mỗi thành viên ai cũng đều có sứ mệnh của riêng mình. Sứ mệnh của anh Toàn là đồng lòng, hết mình vì bệnh nhân. Thì sứ mệnh của những người nơi hậu phương như chị Huế chính là làm tiền đề vững chắc cho người nơi tiền tuyến. 

“Những lúc như vậy, mình thấy tủi thân và vất vả. Nhưng mình luôn bình tĩnh, tự cố gắng mạnh mẽ hơn để anh ấy yên tâm chống dịch nơi xa” chị Huế nghẹn ngào. Vào hoàn cảnh gian khó và đặc biệt, ai cũng có phút yếu lòng. Tuy nhiên không phải ai cũng có cách hành xử thấu tình đạt lý. Chị tâm sự, hiểu cho chồng chính là hiểu cho đất nước, hiểu cho những đau thương và mất mát đồng bào đang phải hứng chịu. 

“Khi Tổ Quốc cần, sẵn sàng lên đường. Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” giọng chị Huế mạnh mẽ tự hào khi nhắc tới câu nói của người chồng yêu quý thường hay nói với chị. Những câu nói vững chắc và khí thế sẵn sàng lên đường của chồng đã luôn giúp chị giữ được động lực và cố gắng hơn trong mọi tình thế. Chị vẫn luôn nhớ từng hành động chi tiết nhỏ thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của chồng mình. “Có lần đi chống dịch về, mình hỏi sao anh không bỏ đồ trong vali ra. Anh bảo lại, cứ để vậy, khi nào cần đi là chỉ việc lên đường luôn”. 

Những lúc nhớ chồng, chị Huế sẽ tự hình dung bóng dáng của anh. Nhớ tới những kỉ niệm, những câu chuyện vui của cả hai, đó là cách mà chị tự vượt lên những nỗi nhớ của chính mình. Đến thời điểm chị vì lo lắng cho chồng quá, chị sẽ gọi điện và nhìn khuôn mặt anh qua màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, chị cũng luôn tự ý thức và chọn đúng giờ giấc phù hợp với điều dưỡng Toàn để gọi điện. Để anh có thể chú tâm và không bị xao nhãng trong thời gian làm việc.

Đó cũng là cách khiến chị Huế có thể vui vẻ hơn, có thể chăm lo cho gia đình chu đáo, để chồng yên lòng đi công tác. Những lúc nguy cấp, nhất là trong thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với bao nhiêu ca nhiễm Covid và ca tử vong khiến cho chị đứng ngồi không yên. Chị lại lo lắng hơn bao giờ hết, không chỉ lo lắng cho chồng, mà chị còn lo lắng cho nhân dân, hai tiếng “đồng bào”, không thương sao được.

Giờ đây, chị Huế luôn có một ước muốn, chồng mình luôn mạnh khoẻ để tiếp tục giúp sức cho đất nước. Và mong cho dân mình đồng lòng chống dịch như chống giặc. Cùng nhau hướng tới một cuộc sống bình yên và tốt đẹp trở lại.

Lòng đồng cảm và yêu thương của chị Huế dành cho anh Toàn luôn lớn lao như vậy. Hình ảnh người chồng đang chiến đấu nơi xa, người vợ ở nhà luôn làm hậu phương vững chắc. Thật không khỏi xúc động và cảm phục trước tinh thần của vợ chồng chị. Câu chuyện của hai anh chị chính là những động lực giúp người dân có lòng tin vào đất nước, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phòng dịch

Kể về anh Toàn, chị Huế luôn đặc biệt tự hào. Chị tự hào vì chồng mình luôn có ba phẩm chất đáng quý: Bi, trí và dũng.

“Ở đâu có việc khó, ở đó có các anh”, “các anh” ở đây không chỉ những người anh hùng áo xanh, mà còn chính là những chiến binh áo trắng đầy nhiệt huyết và trách nhiệm như anh Toàn.

Luôn cống hiến hết sức mình vì cộng đồng

Trong những ngày công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng, anh Toàn đã có những kỉ niệm ấn tượng và cảm xúc đáng nhớ. Đội ngũ y tế chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị mắc Covid-19 rất nặng. Có những ca chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng mà bệnh nhân vẫn không thể qua khỏi. Chúng tôi rất buồn nhưng không thể nào thay đổi được số phận của họ", điều dưỡng Toàn nghẹn ngào.

Tuy nhiên, anh cũng tâm sự rằng những nỗ lực cố gắng của cả đội ngũ y bác sĩ đã không vô ích khi có thể đem những niềm vui, hạnh phúc và sức khoẻ trở lại cho các bệnh nhân. Sự vui vẻ hay những lời cảm ơn của các bệnh nhân khi được chăm sóc và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đã giúp cho các y bác sĩ như anh Toàn có thêm nhiều động lực và cảm nhận được tinh thần đoàn kết, sự ấm áp của người dân dành cho mình.

Nụ cười “toả nắng” của điều dưỡng Bá Toàn cùng đồng nghiệp sau ngày làm việc vất vả.

"Đôi lúc mệt mỏi... nhưng vẫn luôn cống hiến hết sức mình vì cộng đồng". Đây là tâm sự của anh khi chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình trong những ngày đầu tham gia công tác phòng chống dịch: "Tôi luôn mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh, mong người dân sớm trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng mong muốn này đã thôi thúc tôi cố gắng vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong lúc làm việc. Mặc dù gặp khó khăn, nhưng tôi nhất định không nhụt chí. Ở làn sóng thứ tư, chủng Covid mới rất ghê gớm khiến bản thân tôi đôi lúc cũng có cảm giác rất lo sợ, rằng không biết một ngày nào đó khi chống dịch có thể bị lây nhiễm. Như vậy tôi sẽ không thể chiến đấu cùng các đồng nghiệp nữa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Dù sao tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm, may mắn được tiêm vắc xin COVID-19 và kết quả xét nghiệm kháng thể khá tốt."

Là một người làm trong lĩnh vực y tế, lại có nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác phòng chống dịch COVID-19, điều dưỡng Tạ Bá Toàn luôn luôn động viên nhắc nhở bệnh nhân, người thân và bạn bè xung quanh mình phòng chống dịch bệnh đúng cách: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân cần thực hiện nghiêm chỉnh các nghị định, các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như chủ trương của thủ tướng chính phủ. Bên cạnh đó, người dân cần đảm bảo sức khoẻ của mình bằng cách tiêm phòng vắc xin COVID-19. Vì đây là cách vững chắc nhất để nhân dân tạo được lớp miễn dịch cộng động và sớm đẩy lùi được dịch bệnh. Muốn chống dịch bền vững thì phải cần sự quyết tâm, đồng lòng của toàn dân. Mọi người hãy vững tin, quyết tâm, đồng lòng thì chúng ta nhất định sẽ đánh bại được dịch bệnh COVID-19".

Phương Ninh - Trần Trang (Báo in K40)

Phản hồi