Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Giá trị lớn từ những bữa ăn 0 đồng

22:00 16-05-2024
Bữa ăn 0 đồng là mô hình ăn uống từ thiện hướng tới những hoàn cảnh khó khăn. Sau quá trình dài hoạt động, những quán ăn vận hành theo phương thức này đã mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Những năm gần đây, các quán ăn 0 đồng xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục đích giúp những người nghèo có một bữa ăn tử tế. Khi các quán cơm này trở nên phổ biến hơn, những suất cơm từ thiện cũng có cơ hội đến với nhiều hơn những người gặp khó khăn và trở thành “cứu cánh” cho họ. 

Những địa chỉ 0 đồng

Hiện tại, chưa có thống kê cụ thể về những địa điểm trao tặng suất cơm từ thiện, nhưng những quán ăn 0 đồng đã không còn xa lạ với những bệnh nhân nghèo, chữa trị tại các bệnh viện lớn.Với mục đích cao cả là dành tặng những suất ăn miễn phí cho những người cần, các quán ăn từ thiện đặc biệt này đã nhận được sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội. 

Thấu hiểu tình cảnh của các bệnh nhân và người lao động nghèo trong đại dịch COVID-19, Nhà ăn không đồng Bạch Mai (Ngõ 15 Phương Mai) được thành lập bởi một nhóm tình nguyện viên với ý tưởng làm ra những suất cơm từ thiện nhằm san sẻ khó khăn và trao gửi tình yêu thương tới những đối tượng này. 

Trung bình bệnh viện Bạch Mai có gần 30.000 lượt người ra vào mỗi ngày, trong đó có khoảng 8.000 bệnh nhân khám ngoại trú và 4.000 người điều trị nội trú. Đặc biệt trong đại dịch, nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch và phải chi trả không ít chi phí khám chữa bệnh. Điều này khiến họ và người thân khó có thể xoay sở với mức chi tiêu chỉ đủ cho viện phí. Nhà ăn không đồng Bạch Mai ra đời như một điểm tựa và nguồn hỗ trợ to lớn dành cho họ.

Người nhà bệnh nhân xếp hàng chờ đợi các suất ăn tại Nhà ăn không đồng Bạch Mai. (Ảnh: Thanh Bình) 

Chị Phạm Thị Thúy, quản lý của Nhà ăn cho biết: “Ban đầu, Nhà ăn được thành lập với mong muốn tiếp sức và gửi gắm tình yêu thương đến những người gặp khó khăn trong đại dịch. Dần dần nhận được sự tin tưởng của các bệnh nhân, chúng tôi ý thức rằng phải luôn nỗ lực giữ vững mục tiêu đó trong những suất ăn mình trao đi”. 

Nhiều món đi kèm như sữa, cam… mang lại đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh. (Ảnh: Thanh Bình) 

Những ngày đầu, Nhà ăn gặp nhiều khó khăn vì nguyên liệu không đủ để đáp ứng các thực khách. Nhưng theo thời gian, nhờ sứ mệnh nhân văn, địa điểm này ngày càng được biết đến nhiều hơn, nhận được sự giúp sức của nhiều nhà hảo tâm, tình nguyện viên, từ đó những gánh nặng trong quá trình vận hành cũng vơi bớt. 

Mặc dù là những địa chỉ từ thiện miễn phí nhưng những quán ăn này vẫn luôn cố gắng dành nhiều tâm sức để làm ra những món ăn chất lượng và để lại dấu ấn bởi sự chăm chút cho từng suất ăn cũng như sự niềm nở đối với các thực khách.

Tại Nhà ăn không đồng Nhất Tâm số 27 trên con phố Trần Bình (Hà Nội), ngay từ 8 giờ sáng hằng ngày, nhân viên đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để chế biến những bữa ăn trưa, điều này cho thấy tấm lòng và sự tâm huyết của quán.

Dù chỉ có 5 người để chuẩn bị toàn bộ các bữa ăn gồm 3 người sơ chế và 2 đầu bếp, nhưng các công đoạn vẫn diễn ra kỹ lưỡng, chỉn chu. Do đã làm việc với nhau từ lâu, nhân viên tại Nhà ăn Nhất Tâm có thể hoạt động một cách nhịp nhàng, chuyên nghiệp. Vì thế, Nhà ăn không cần nhiều nhân viên mà vẫn có thể đáp ứng kịp thời số lượng lớn các suất ăn. 

Chị Vũ Thị Trà Giang, đại điện Nhà ăn không đồng Nhất Tâm số 27 chia sẻ  “Mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 250 - 300 người đến ăn. Các món đều là đồ chay, khâu chuẩn bị nguyên liệu và chế biến được thực hiện rất kỹ càng, mang lại đầy đủ dinh dưỡng cho các thực khách”.

Nhằm đảm bảo sức khỏe của mình, bệnh nhân sẽ tự mang cặp lồng cá nhân đến Nhà ăn thay vì dùng hộp nhựa do cháo được lấy trực tiếp từ trong nồi, nhiệt độ nóng nếu tiếp xúc với nhựa sẽ ảnh hưởng không tốt đến người ăn. 

Nhà ăn không đồng Nhất Tâm số 27 phục vụ cháo vào cặp lồng. (Ảnh: Thanh Bình)

Không đơn thuần chỉ là những hộp cơm từ thiện nóng hổi, những suất ăn 0 đồng được các đầu bếp, tình nguyện viên trao đến tận tay những người cần giúp đỡ còn chứa đựng niềm tin vào tình thương thông qua việc ăn uống, con người có cơ hội bày tỏ sự gắn kết, sẻ chia.

Món quà cho những người khó khăn

Đến với những quán ăn 0 đồng, điều mà các thực khách nhận được không chỉ là những bữa ăn tiết kiệm và đầy đủ dinh dưỡng, mà còn là sự thoải mái, vui vẻ và tinh thần lạc quan, yêu đời khi chứng kiến sự sẻ chia và giúp đỡ từ cộng đồng. 

Là một thực khách tại Nhà ăn không đồng Nhất Tâm số 27, Bà Nguyễn Thị Bưng (67 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự: “Chồng tôi phải lên tận đây để chữa bệnh, do không có nhiều chi phí nên chúng tôi lựa chọn Nhà ăn này cho tiết kiệm. Ở đây chúng tôi được nhận 2 suất cơm miễn phí, còn nếu mua cơm ngoài tôi thường phải mất từ 20.000 - 40.000 đồng mà chỉ được một suất”.

Ngày nào cũng vậy, mỗi buổi trưa trước cửa nhà ăn, các vị khách quen thuộc lại tụ tập đi theo từng nhóm, trò chuyện trước bữa ăn. Dù quán ăn không lấy tiền, nhưng do đây là một quán chay, nhiều người vẫn tùy tâm đặt 2.000 đến 10.000 đồng để ủng hộ cho người nấu.  

Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết đối với các bệnh nhân, đây cũng là điều mà các quán ăn 0 đồng cố gắng phục vụ. Tại Tiệm cơm An Phúc (381 Giải Phóng, Hà Nội), một suất ăn trọn vẹn thường đủ món mặn, rau và canh kèm với 1 cốc trà, thực đơn này đảm bảo người bệnh không bị đói bụng hay thiếu chất dinh dưỡng.

Một suất cơm gồm thịt rang, đậu rán, rau xào được gửi tặng đến những người khó khăn tại Tiệm cơm An Phúc . (Ảnh: Thanh Bình) 

Bên cạnh đó, sự tinh tế của Nhà ăn được thể hiện ở tấm bảng “cơm 2.000 đồng” được treo bên ngoài cửa tiệm. Nhưng thực khách không cần bỏ chi phí, lý do cho dòng chữ trên để những người lao động ghé vào quán không cảm thấy mặc cảm về sự khó khăn của bản thân. Điều này cho thấy niềm thấu hiểu và sự tận tâm với người nghèo khó của những quán ăn từ thiện này.

Khoảng 11 giờ trưa, khoảng hơn 300 suất cơm đã được chuẩn bị sẵn sàng tại Tiệm cơm An Phúc. (Ảnh: Thanh Bình) 

Bà Trần Thu Hương (76 tuổi), 5 năm là khách quen của Tiệm cơm An Phúc giãi bày: “Tôi thường đến Tiệm cơm từ rất sớm để xếp hàng. Ngoài những suất cơm thơm ngon, thỉnh thoảng tôi còn nhận được cả quả chuối, cốc chè… Sự tử tế của Tiệm cơm An Phúc làm tôi ấm lòng lắm”.

Thực khách tại những quán ăn trên đa phần là người nghèo không dư dả tài chính, có người chạy xe ôm, làm bảo vệ hay thu đồng nát xa quê… Với đồng lương ít ỏi, một bữa ăn trưa từ thiện là đủ để khiến họ vui vẻ, hạnh phúc. Những bữa cơm 0 đồng giúp lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam.

Thanh Bình - MĐT K41

Phản hồi