Nét đẹp truyền thống nghìn năm tuổi
Làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) nằm tại 2 thôn là Bát Tràng và Giao Cao thuộc vùng tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Ngôi làng cổ lưu giữ nét đẹp lịch sử cũng như văn hóa truyền thống qua hàng ngàn năm. Nhắc đến Bát Tràng là nói đến nghề gốm sứ truyền thống tồn tại và phát triển suốt hơn nghìn năm qua, tại đây, kể từ khi những người con của 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng gồm Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lập nghiệp. Đến phường Bạch Thổ (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), họ quyết định mở lò gốm tại đất này bởi nơi đây có nguồn đất sét trắng, nguyên liệu chính để làm gốm vô cùng dồi dào. Trải qua hơn nghìn năm, đến nay, Bát Tràng vẫn luôn là làng nghề truyền thống hấp dẫn của Hà Nội.
Về chất đất để làm gốm hiện nay được người dân Bát Tràng ngược sông Hồng lên vùng Sơn Tây, Phúc Yên, rẽ qua sông Đuống, xuôi dòng Kinh Thầy đến Đông Triều, khai thác đất sét trắng ở Hồ Lao, Trúc Thôn. Đất sét Trúc Thôn có độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt mịn, màu trắng xám, độ chịu lửa ở khoảng 1650°C rất thích hợp để chế tác các sản phẩm gốm cao cấp.
Điểm đặc biệt của các sản phẩm Bát Tràng đều được vẽ và tạo hình vô cùng tinh xảo với những đường nét, màu sắc hình khối vô cùng ấn tượng, khỏe khoắn và có sức sống nhưng vẫn tôn lên những giá trị đặc trưng của dân tộc tiêu biểu như rồng, hoa sen, rùa hoặc các địa danh nổi tiếng.
Với các sản phẩm như bình hoa thường sẽ được người nghệ nhân dùng bút lông vẽ các hoa văn, họa tiết hài hòa, phù hợp với dáng gốm. Đặc biệt những bình lớn, người nghệ nhân sẽ đắp thêm đất trên một vùng nhất định sau đó tạo hình, khắc các họa tiết trang trí lên mặt sản phẩm.
Hiện nay, Bát Tràng là một trung tâm gốm sứ lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Các sản phẩm nơi đây càng ngày càng phong phú, đa dạng mẫu mã và chủng loại đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Nơi đây luôn được khách hàng ưa chuộng không chỉ bởi cái “danh” vốn có mà còn bởi chất lượng của các sản phẩm vô cùng bền và đẹp.
“So với mặt bằng chung trên thị trường, giá thành gốm tại Bát Tràng hợp lý, mẫu mã lại đa dạng, các sản phẩm ở đây luôn bắt kịp thời đại nhưng không mất đi nét truyền thống, thiết kế tinh xảo không thể trộn lẫn. Không chỉ vậy, các sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng vô cùng chất lượng, có thể dùng được rất nhiều năm mà không bị biến chất, sứt mẻ. Đó chính là lý do nhiều năm qua tôi vẫn luôn tin dùng các sản phẩm ở Bát Tràng”, chị Hiền (Hà Nội) chia sẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Á, châu Âu,…
Làng gốm Bát Tràng còn là nơi tập hợp rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng về phục chế, sáng tạo nên các tác phẩm gốm tinh xảo, độc đáo. Điển hình như nghệ nhân Trần Độ người đã phục chế hơn 70 loại men cổ để làm các sản phẩm thờ cúng, tượng cổ vô cùng đẹp mắt. Dòng gốm men lam xám cổ tưởng đã thất truyền nay được nghệ nhân Tô Thanh Sơn ứng dụng làm nên tác phẩm nghệ thuật tổng hợp gốm - họa - thơ. Nghệ nhân trẻ Phạm Thế Anh khôi phục dòng gốm cổ Hồng Sa, mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ấm chất lượng cao để xuất sang Nhật Bản.
Khi được hỏi về việc gìn giữ và phát huy nét đẹp cổ truyền của nghề làm gốm, nghệ nhân Tô Thanh Sơn chia sẻ: “Sinh ra tại Bát Tràng, cái nôi của nghề gốm ở Hà Nội, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên nghề mà cha ông để lại. Truyền thống là hồn cốt, nếu đánh mất thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. Vì thế, con cháu các dòng họ ở Bát Tràng luôn bảo ban nhau giữ gìn, phát huy nghề cổ truyền”. Hiện nay kỹ thuật chế tác gốm ở Bát Tràng đã có thể phục chế lại được tất cả các sản phẩm cổ truyền đặc sắc từ 300 – 400 năm trước, điều mà không một nơi sản xuất gốm sứ làm được giỏi bằng.
Làng cổ thời kỳ hội nhập
Đến với Bát Tràng, khách du lịch không chỉ được tham quan những công trình kiến trúc độc đáo, đậm nét truyền thống mà còn được chiêm ngưỡng quá trình làm gốm thủ công của các nghệ nhân từ các khâu nặn gốm, đổ khuôn, nung gốm và khách du lịch sẽ được trải nghiệm tự tạo nên các sản phẩm gốm theo ý thích của mình. Đến tham quan làng Bát Tràng bạn trẻ Nguyễn Anh Đức (Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm trong vòng một ngày của mình: “So với ngày trước thì hiện nay Bát Tràng đã và đang phát triển hơn rất nhiều, có thể nói các sản phẩm nơi đây vô cùng đa dạng và đẹp mắt. Đối với mình, Bát Tràng là địa điểm tham quan lý tưởng cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu thêm về gốm cổ truyền Việt Nam”.
Ngày nay, trên thị trường ngành sản xuất gốm công nghiệp được phát triển mạnh và dần thay thế các sản phẩm truyền thống, điều này khiến giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một. Bên cạnh đó việc đạo, nhái hàng trên thị trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển tại Bát Tràng. Việc đạo, nhái hàng là việc không tôn trọng giá trị truyền thống cốt lõi mà còn gây nhũng nhiễu thị trường, mất đi danh tiếng của gốm Bát Tràng. Như vậy, để cạnh tranh tồn tại, khi người tiêu dùng có yêu cầu thẩm mỹ cao cũng như việc hàng giả, kém chất lượng tràn lan thì Bát Tràng phải tìm những định hướng để đổi mới và phát triển.
Kết lại, có thể thấy ứng dụng giữa yếu tố truyền thống pha lẫn với hiện đại đã khiến các sản phẩm gốm Bát Tràng luôn giữ được dấu ấn đặc trưng ở thị trường trong nước cũng như ngoài nước. Chính vì thế, nơi đây luôn mang ấn tượng sâu sắc trong lòng khách du lịch về một ngôi làng cổ nghìn năm tuổi nhưng vẫn mang trong mình sự hiện đại, đầy sức sống.
Phản hồi