Câu chuyện đã trôi qua 7 năm, nhưng khi cùng chúng tôi trò chuyện, cựu binh Phạm Minh Giám vẫn bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc khi 2 người đồng đội được tìm thấy. Với ông, đây không chỉ là tình nghĩa, mà còn là minh chứng rõ nét cho tình đồng chí sắt son vượt qua lửa đạn của quân thù và dòng thời gian bất tận.
Đêm “hoang tàn” trên đỉnh 1433
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Minh Giám, năm nay 75 tuổi, quê Hà Nam. Vào cuối những năm 1971, khi chiến dịch “Z” (Chiến dịch phản công thu hồi vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng) chuẩn bị mở màn, ông Giám lúc đó 22 tuổi, được biến chế về Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 với nhiệm vụ là luồn sâu, đánh vào căn cứ đầu não của tướng phỉ Vàng Pao ở Long Chẹng.
Theo ông Giám kể, do tính chất đặc biệt quan trọng nên Long Chẹng và những vùng lân cận được địch tổ chức phòng thủ vững chắc. Trong đó, 1433, cao điểm cách trung tâm Long Chẹng hơn 4km về hướng Đông Nam là cứ điểm rất quan trọng, 1433 vừa là đài canh không lưu (chỉ huy cất, hạ cánh), vừa có thể chỉ điểm máy bay đánh các mục tiêu phụ cận khi có chiến sự, nên chiến trường khi ấy rất khốc liệt và bi hùng.
Chiến dịch Z (hay còn gọi là Chiến dịch Long Chẹng) là một chiến dịch quân sự lớn do Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện từ ngày 18/12/1971 đến 6/4/1972 tại khu vực Long Chẹng, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Mục tiêu chính của chiến dịch là tấn công và phá hủy căn cứ quân sự của lực lượng Vàng Pao và CIA, nhằm cắt đứt đường tiếp viện và hỗ trợ của địch trong khu vực. |
Trận giằng co trong đêm năm 1971 khiến cả Long Chẹng khi ấy rực lửa. Đó là những ký ức máu đỏ, đất đỏ và rừng đỏ, nó vẫn còn hằn sâu mãi trong tâm trí của người lính cụ Hồ. Trong dòng ký ức, ông Giám nhớ lại, khi tiếp cận được 1433, đại đội công binh 24 với nhiệm vụ là đánh dứt điểm rồi chốt giữ “quyết tử'. Không có chi viện, không rút lui, chỉ huy giao trọng trách nặng nề này cho mũi đặc công 6 người do mũi trưởng Hoàng Văn Đá chỉ huy. Lúc tiến sát đến gần căn cứ địch thì bị phát hiện, khi ấy cả căn cứ địch bừng tỉnh, hoả lực liên tục dồn theo hướng di chuyển của mũi đặc công khiến cả một góc trời sáng rực.
“Chớp lửa mìn Claymo, mìn sáng, lựu đạn nhoáng nhoàng, vang rền, đạn vạch đường rạch nát màn đêm, đan chéo nhau chằng chịt, tiếng rít vang lên nhức óc,.. các cứ điểm xung quanh cuống cuồng bắn pháo sáng, ném lựu đạn làm rung chuyển cả một vùng trời", ông Giám nói.
Không gian trên đỉnh 1433 chật hẹp mỗi chiều chỉ trên dưới 20m, khi ấy chỉ có tiếng hò hét, rên rỉ của địch cùng tiếng súng các cỡ hòa trộn tạo thành thứ âm thanh rất hỗn tạp. Sau khi đánh hết các mục tiêu, hai người đồng đội của ông Giám đều đã hy sinh, máu chảy nhuộm đỏ cả một vùng đất. Vẫn thấy bóng địch chạy quanh ở các cộng sự phía dưới, ông liên tục ném pháo vào chỗ có địch, tiếng nổ vang khắp cả vùng thung lũng.
“Sau khi tiếng nổ vãn dần, cả trận địa trở nên yên tĩnh, hoang tàn, vài đám cháy nhỏ bập bùng ở chỗ quân trang và lương khô của địch. Chỉ còn mình tôi với thân thể hai đồng đội đang dần nguội lạnh, tôi cảm thấy bàng hoàng”, ông Giám bồi hồi nhớ lại.
Rong ruổi tìm đồng đội
Chiến tranh kết thúc, nhưng trên cơ thể vẫn còn hằn sâu vết bom đạn mặc dù vết thương đã lành miệng, nhưng với ông vết thương đau đớn nhất vẫn là hình ảnh những người anh em, những người đồng đội nằm lại nơi đất rừng hoang vu. Đó mới là những thương tích không bao giờ lành.
Như một cách tri ân và xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại, cựu binh Phạm Minh Giám đã dành những năm cuối đời để giúp đỡ và tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đã nằm lại trên mảnh đất triệu voi - nơi ông từng đăng ký tham gia tình nguyện, hiệp đồng tác chiến với quân dân Lào trong “chiến dịch Z”.
Sống sót trở về từ đêm “hoang tàn” trên đỉnh 1433, ông Giám bắt đầu cuộc sống hòa bình với nghề chạy xe, rồi lập gia đình và định cư tại Hoà Bình. Thước phim người lính già tưởng chừng đến đây là kết thúc. Mãi cho đến đúng dịp tết năm 2017, gia đình một liệt sỹ tìm đến ông - người trực tiếp và duy nhất còn sống trên 1433, cũng là người chính tay chôn cất một trong hai người thân của họ - liệt sỹ Hoàng Văn Đá: “Không ai bảo ai, nhưng mọi người cùng linh cảm vong linh hại liệt sĩ chỉ mong muốn tôi sang đòn họ về. Thế là tôi không chút đắn đo, không quân đường xa, bệnh tật từ vết thương cũ, cùng mọi mọi người lên đường trở lại 1433 mang theo nhiều hy vọng”, ông Giám nghẹn ngào.
Đi tìm anh em đồng đội hy sinh cũng cần có một phần tâm linh. Ông Phạm Minh Giám đã chuẩn bị năng tiền, vòng, hoa quả và thắp hương cho đồng đội. Chuyến đi này chỉ có mình ông là cựu chiến binh tại trận đánh năm đó, cùng với bốn người trong gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Đà Tất cả lên một xe bán tải xuất phát lúc 2 giờ sáng ngày 5/3/2017. Ông kể lại: “Chúng tôi đi qua Hòa Bình theo con đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh, rồi sang Xiêng Khoảng (Lào), băng qua bao nhiêu địa danh đã ăn sâu vào trí nhớ của người lính suốt những năm tham gia chiến đấu. Nào là Ngô Ba Lạt Hường, Phu Tôn, Đồi Năm Móm, Phu Sen Luông, rồi xuống sân bay Long Cheng.”
Đội hình lên núi 1433 kéo dài, lúc nào bên ông Giám cũng có y sĩ Đường và một bộ đội Lào cầm bảng gấp đi cuối. Đến 11 giờ, cả đoàn mắc võng nghỉ trưa, ông Giám đi đến rừng bương quan sát và xác định đã đi lệch hướng. Ông yêu cầu mọi người rẽ về bên phải và tiếp tục đi không nghỉ trưa.
Sáng 8/3, lên đến chân núi 1433, ông Giám cùng cả đoàn tìm đường mòn cũ, nơi ông từng sát cánh cùng các đồng đội. 45 năm trôi qua, gai mọc kín rất khó đi, ai cũng ngại, ông yêu cầu mọi người cứ theo đường mòn cũ phát gai, cây, rồi từ đây trở xuống, không lên đỉnh nữa. Cả đơn vị đi trước, ông Giám tuổi cao sức yếu lẽo đẽo theo sau, hết núi đá xuống dốc có đất, đến một hang đá nhỏ, lính tính khiến người lính 1433 năm xưa chợt cảm thấy có gì quen quen…
“Trước khu rừng già... phiến đá ngày xưa đặt hai liệt sĩ để khâm liệm bất chợt hiện ra trước mắt tôi. Hai chân tôi khuỵu xuống, nước mắt cứ thế trào ra, vừa chạy vừa vấp ngã, rồi lại chạy. Gặp mọi người, tôi òa khóc:
- Tìm thấy rồi!... Tìm thấy rồi...”, tay chân ông bủn rủn, mắt đã ngấn lệ, nhưng mấy tiếng thông báo vẫn chắc nịch, tựa hồ kỳ tích chỉ vừa mới xảy ra đôi ba phút.
Sau lần tìm kiếm thành công phần mộ của hai liệt sĩ, ông Phạm Minh Giám được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là các gia đình có người thân hy sinh tại chiến trường Lào. Nhiều người tìm đến ông với hy vọng đưa người thân của họ về với quê cha đất tổ. Tuy nhiên, các điều kiện tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn do sự thay đổi của môi trường và thời gian, thêm vào đó, tuổi tác của ông ngày một cao, sức khỏe cũng suy giảm. Đau đáu khi chưa thể đưa hết những người đồng đội năm xưa về, nhưng tinh thần kiên trì và lòng quyết tâm của ông không hề giảm sút. Ông tiếp tục làm hết sức mình, không ngừng tìm kiếm và giúp đỡ các gia đình, dù con đường trước mắt còn đầy gian nan và thử thách.
Phản hồi