Danh mục Thứ Bảy, 20/04/2024

 

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0

 

 

 

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho con. Tuy nhiên, thay vì giúp đỡ con chọn lựa những ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích thì nhiều bậc phụ huynh lại thay con quyết định tương lai, ép buộc con chọn ngành, chọn trường theo ý muốn của cha mẹ.
 

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0
 

Khác với dáng vẻ sôi nổi hào hứng thảo luận về ngành học, trường học mơ ước của các bạn khác, Ngọc đến trường, ủ rũ trò chuyện với tôi. Bố mẹ cô bạn không đồng ý cho cô đăng ký ngành ngôn ngữ Hàn tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Nhà Ngọc có hai chị em. Người chị gái từng học đại học ngay tại địa phương, nay đã đi làm với mức lương ổn định. Con gái lớn thành công, bố mẹ Ngọc cũng dự định cho cô con gái nhỏ tiếp bước con đường của chị. Ngọc được bố mẹ khuyên học ngành Kinh tế ngoại thương tại Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo bố mẹ Ngọc, học kinh tế ra trường sẽ dễ xin việc hơn và họ cũng không muốn Ngọc phải đi học xa nhà. “Con cứ nhìn chị con mà xem. Có phải học ở Hà Nội hay tận đâu đâu, vẫn xin được việc tốt.”, mẹ Ngọc bảo.

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0
 Đại học Hàng Hải Việt Nam - ngôi trường bố mẹ yêu cầu Ngọc theo học

Đã có nhiều lần, Ngọc cố gắng thuyết phục bố mẹ thay đổi suy nghĩ của mình. Cô phân tích về chương trình học, những triển vọng công việc của ngành ngôn ngữ Hàn mà mình đã tìm hiểu nhưng bố mẹ vẫn liên tiếp gạt đi. Hai bên bất đồng ý kiến, những cuộc nói chuyện như vậy luôn làm không khí gia đình rơi vào căng thẳng. Bố Ngọc vừa mới ốm dậy, mẹ cũng đã lớn tuổi rồi, cô không muốn cha mẹ buồn, nên đành thôi.

Đến ngày nộp hồ sơ, Ngọc điền 5 nguyện vọng là các ngành kinh tế của những trường đại học tại Hải Phòng. Những ước mơ còn chưa kịp ươm mầm đã bị dập tắt trong những cuộc chuyện trò bế tắc giữa hai thế hệ.

Em nên nhìn sâu vào bên trong bản thân mình, trước khi đi tìm lời khuyên từ người khác. Phải biết em muốn làm gì, trở thành ai trước đã, và em có thực sự quyết tâm hay không. Nếu có thì hãy cố gắng theo đuổi nhé, đừng nản.

Ngọc không phải người duy nhất bị bố mẹ ngăn cản học ngành nghề mình yêu thích. Trên thực tế, đây là câu chuyện diễn ra khá phổ biến ở nhiều gia đình Việt. Anh Phong, năm nay 36 tuổi, đã có gia đình và hai con gái nhỏ cũng là một trường hợp tương tự. Khi tôi đến nhờ anh tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề và các trường đại học, anh chia sẻ cho tôi nhiều trải nghiệm của mình. Cuối buổi trò chuyện, anh khuyên, "Em nên nhìn sâu vào bên trong bản thân mình, trước khi đi tìm lời khuyên từ 
người khác. Phải biết em muốn làm gì, trở thành ai trước đã, và em có thực sự quyết tâm hay không. Nếu có thì hãy cố gắng theo đuổi nhé, đừng nản". Lời khuyên anh dành cho tôi cũng là điều anh đã không thể thực hiện được vào 18 năm về trước.

Anh Phong từng muốn trở thành sinh viên một trường kỹ thuật tại Hà Nội, nhưng bố anh - một cựu sinh viên khoa Điện trường Đại học Bách khoa thì không đồng ý. Bố anh cho rằng học kỹ thuật vất vả hơn học kinh tế. Hơn nữa, vì cho rằng anh không thể thi đỗ những trường top đầu, nên bố mẹ anh cũng không cho phép con trai đi tham dự kỳ thi tuyển sinh tại Hà Nội. Một cậu trai 18 tuổi, hơi nhút nhát, thiếu kiên định, đã không dám tự lên đường đi tìm giấc mơ trước sự ngăn cản của gia đình. Đến bây giờ, khi đã có một công việc đầy triển vọng, thi thoảng, anh Phong vẫn nhớ về cậu trai ôm ước mơ còn dang dở năm ấy.

 

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0
 


Trong quá trình nuôi con khôn lớn, cha mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nếu như khi còn bé, họ muốn tạo điều kiện để con có được môi trường sống và môi trường học tập lành mạnh, tiên tiến thì khi con đến tuổi trưởng thành, có lẽ mong ước lớn nhất của người làm cha làm mẹ chính là chứng kiến con có một công việc và cuộc sống ổn định. Với mong muốn đó, nhiều bậc phụ huynh đã thay con quyết định ngành nghề tương lai.

Năm sau, Hùng sẽ thi vào ngành Dược học tại Đại học Dược Hà Nội. Mục tiêu này đã được bố mẹ đặt ra cho em ngay từ khi còn nhỏ. Từ cấp 2, Hùng đã được bố mẹ cho đi học thêm Toán, Lý, Hoá và lên cấp 3, Hùng cũng lựa chọn theo học lớp ôn thi khối A tại trường. Bố của Hùng chia sẻ, "Nhà cô chú cũng chỉ vì muốn tốt cho em thôi. Cháu xem, trên tivi báo đài năm nào chẳng nói về việc sinh viên ra trường không xin được việc, tỉ lệ thất nghiệp cao. Chú là bác sĩ, mẹ nó cũng làm dược sĩ. Sau này ra trường, chú có thể xin cho em nó làm ở bệnh viện và quản lý hiệu thuốc của nhà. Công việc ổn định, chả phải lo gì”.

Khi tôi hỏi Hùng có thích theo ngành này không, em thú thực với tôi là em không biết bởi từ nhỏ, bố mẹ đã định hướng cho em học dược. Em chỉ biết cố gắng học hành, đi theo lộ trình đã được gia đình sắp xếp sẵn.

 

Nói về việc cha mẹ định hướng ngành nghề cho con, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng có 3 cách thức định hướng chính. Thứ nhất là phụ huynh đã và đang làm trong ngành nên muốn con tiếp nối truyền thống gia đình. Thứ hai là phụ huynh mong muốn học và làm trong ngành nghề này nhưng chưa thực hiện được nên muốn con hoàn thành tâm nguyện của mình. Cuối cùng là phụ huynh chọn những ngành “hot”, những trường top đầu để định hướng con theo học. Những cách thức này đều được đưa ra dựa trên những trải nghiệm, kinh nghiệm và góc nhìn của cha mẹ. Nó không thực sự xuất phát từ câu hỏi “Con cần gì?”, “Con muốn học gì?” mà chỉ là “Mình muốn con làm gì?”.

Cũng theo Phó giáo sư, việc chọn nghề giống như một hình tam giác đều 3 cạnh là năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Hai trong ba cạnh đều thuộc về yếu tố chủ quan của người học, nên dù bố mẹ có muốn áp đặt con theo ngành gì thì cơ may chọn đúng ngành phù hợp với con cũng là rất thấp. 

Nếu không thể theo học ngành nghề phù hợp với bản thân mình thì liệu lựa chọn của cha mẹ đã thực sự tốt cho con chưa?

 

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0
 

Cuốn sách “Giúp con hướng nghiệp” do Tổ chức Hợp tác phát triển kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hợp tác soạn thảo, khuyên rằng, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò như huấn luyện viên, có nhiệm vụ định ra “chiến lược” phù hợp để con phát huy được khả năng của mình, giúp đỡ con hiểu rõ bản thân mình và tạo động lực cho con nhưng không quyết định nghề thay con.

- Con có nên đổi thành một trường nào đó nổi tiếng hơn không? Như Kinh tế Quốc dân hay Ngoại thương. Có lẽ với “cái mác” là sinh viên những trường top đầu, con có thể xin việc dễ dàng hơn.

Đó là điều mà Dương đã hỏi bố mẹ khi biết kết quả thi Đại học cao hơn dự tính của mình. Nhưng mẹ của Dương đã động viên cô:

- Cả nhà mình đã tìm hiểu rất kỹ về ngành và về trường con đăng ký rồi, phải không? Bố mẹ cũng đã ngồi cùng con phân tích về những điểm mạnh, điểm yếu cũng như nguyện vọng, sở thích của con rồi, đúng chứ? Để làm tốt bất kỳ công việc nào cũng phải xuất phát từ sự say mê, yêu thích đã. Con có chắc chắn rằng nếu con chọn một ngành, một trường chỉ vì nó hot, nó nổi tiếng chứ không phải vì con yêu thích nó, thì con sẽ vui vẻ với quyết định của mình và làm tốt công việc tương lai không?

 

 

Dương là một trong những người may mắn khi bố mẹ rất tôn trọng những sở thích, quyết định của cô trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp cũng như đồng hành cùng cô trong việc tìm hiểu ngành học, trường học. Đến bây giờ, khi đã là sinh viên năm 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Dương vẫn thường chia sẻ nhờ lời khuyên ngày ấy của bố mẹ mà cô có những quyết định đúng đắn cho tương lai của mình. 

Cha mẹ có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành tính cách, kỹ năng và lựa chọn nghề nghiệp của con. Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc hướng nghiệp cho con nên bắt đầu ngay từ cuối cấp 2. Tại giai đoạn này, cha mẹ có thể hướng dẫn con xác định khả năng, sở thích, cá tính và giá trị của mình.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cùng con tìm hiểu về nhu cầu sử dụng lao động và xu thế phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để có định hướng chọn nghề sao cho nghề đó vừa phù hợp với khả năng, sở thích nghề nghiệp của con, vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng giúp con tăng thêm khả năng được tuyển dụng hoặc có khả năng tự tạo việc làm cho bản thân sau khi tốt nghiệp. Cuối cùng, cha mẹ nên tìm hiểu về ngành nghề học và nơi đào tạo để cùng con đưa ra những lựa chọn phù hợp với nguyện vọng và khả năng của con. 

 

Tương lai của con nằm trong tay ai? -0
Infographic: Khánh Dung 

 

Hành trình 18 năm con tốt nghiệp trung học có lẽ cũng là hành trình 18 năm để những bậc phụ huynh “trưởng thành trong khóa học làm cha mẹ”. Trên chặng đường ấy, có những khó khăn, có những trăn trở, nhưng vẫn sẽ ắp đầy tình yêu thương và niềm hi vọng. Trao cho con quyền quyết định tương lai của bản thân mình, bao gồm cả quyết định ngành nghề, trường học sẽ là món quà tuyệt vời nhất cho cả cha mẹ và con trong cuộc hành trình này.