Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024
“Người khuyết tật hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc đời và thậm chí trở thành một người lãnh đạo” là lời khẳng định đầy tự tin của Vũ Thị Quyên - một người phụ nữ mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Sự suy giảm về mặt thể chất không thể ngăn được ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ của chị Quyên trên con đường theo đuổi ước mơ. Giờ đây, ở tuổi 34, chị Vũ Thị Quyên đã sáng lập và vận hành Công ty công nghệ TNHH We-Edit Việt Nam, đem đến việc làm ổn định cho gần 100 nhân sự, đa phần là người yếu thế và người khuyết tật trong xã hội. 

Phóng viên (PV): Thưa chị, chị có thể chia sẻ về căn bệnh của mình cũng như những khó khăn mà căn bệnh này gây ảnh hưởng tới cuộc sống của chị?

Vũ Thị Quyên: Tôi mắc căn bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh hiếm gặp. Căn bệnh khiến cho cấu trúc xương và cơ của tôi rất yếu và dễ gãy, gây cho tôi rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển và vận động. Hồi nhỏ, tôi rất ít khi đi ra ngoài, thế giới của tôi gói gọn trong phạm vi vài mét từ nhà ra ngõ. Vì không được vận động nhiều nên tôi thường bị đau nhức xương khớp, nhất là vào thời điểm thời tiết thay đổi. Đến thời điểm hiện tại tôi phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn để đi lại.

Khi tôi bắt đầu có nhận thức về căn bệnh của mình cũng như những lời nói của mọi người xung quanh, tôi đã rất buồn khi bị bạn bè trêu chọc, họ dùng những lời lẽ khó nghe để miệt thị. Lớn hơn một chút, tôi còn từng bị bạn bè bắt nạt ở trường học. 

Gia đình đã rất vất vả để tìm thầy thuốc chữa bệnh cho tôi, tôi cũng từng có khoảng thời gian ở Mỹ 2 năm một mình để điều trị bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh vẫn không có gì thay đổi và tôi cũng đã xác định sẽ sống chung với nó cả đời. 

PV: Trước những khó khăn như vậy, chị đã chọn cách đối mặt với bệnh tật như thế nào?

Vũ Thị Quyên: Tôi nhận ra rằng sống thuận theo ý trời là cách tốt nhất để tìm thấy hạnh phúc Thay vì cưỡng cầu những điều không thể rồi rơi vào bế tắc, tiêu cực, tôi chọn cách sống lạc quan , coi căn bệnh như một người bạn đồng hành với mình. 

Khi không thể làm các công việc về vận động tay chân, tôi đã lựa chọn những công việc về trí óc để kiếm sống. Tôi không mong muốn bản thân mình sẽ mãi là một người chỉ biết dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Chính vì vậy, tôi đã không ngừng học hỏi và trau dồi tri thức cho bản thân mình. Thật may mắn khi thời còn đi học, tôi là một người học khá tốt ở lớp, điều này đã giúp tôi từ một người bị trêu chọc trở thành một người được bạn bè yêu quý và nhờ giúp đỡ nhiều hơn. Từ đó, tôi cũng dần trở nên tự tin vào bản thân mình.

PV: Như chị đã chia sẻ thì học lực của chị khá tốt, vậy tại sao chị lại dừng việc học tập của mình ở lớp 12 mà không theo học Đại học? 

Vũ Thị Quyên: Thời điểm đó, điều kiện của các trường Đại học ở Việt Nam còn hạn chế, không có nhiều sự hỗ trợ cho người khuyết tật, thang máy rất ít, chủ yếu di chuyển bằng thang bộ. Cùng lúc ấy, gia đình tôi cũng gặp khó khăn vì bệnh tình của bố tôi chuyển biến nặng. Đó là lý do khiến tôi đã quyết định không tiếp tục theo học Đại học nữa. 

Chắc hẳn chị đã cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối khi việc học tập của mình phải dừng lại sớm như vậy, chị đã trải qua thời gian ấy như thế nào?

Việc học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tôi. Nó không chỉ là con đường đến tri thức mà còn là cơ hội để tôi chứng minh năng lực và xóa bỏ những định kiến về người khuyết tật trong xã hội. Thời điểm phải dừng lại việc học tập ở năm 18 tuổi, tôi đã rất khó khăn và mông lung về tương lai phía trước của mình. 

Nhờ sự giới thiệu của người thân, tôi may mắn biết đến một trung tâm dạy nghề. Tôi nghĩ đó là cơ hội duy nhất của mình vào thời điểm đó nên đã quyết định đăng ký. Nhờ vốn tiếng Anh, tôi đã gây ấn tượng với mọi người khi đảm nhận vai trò phiên dịch cho các bạn tình nguyện viên nước ngoài. Từ đó tôi đã kiếm được tiền lương đầu tiên trong đời với công việc bán vé máy bay. Đến năm 2014, tôi cảm thấy bản thân mình cần được trau dồi nhiều hơn và muốn được thử sức ở một môi trường khác nên đã quyết định dừng công việc ở phòng vé để ứng tuyển vào một công ty của nước ngoài. 

PV: Điều gì đã khiến chị quyết định dừng công việc với mức thu nhập ổn định để thử thách bản thân ở một môi trường hoàn toàn mới như vậy?

Vũ Thị Quyên: Tôi muốn thay đổi định kiến của mọi người về tôi và cả những người cùng hoàn cảnh. Người khuyết tật cũng có thể tự mình kiếm tiền, tự làm chủ cuộc đời và thậm chí là trở thành lãnh đạo. Ở trong một môi trường mà xoay quanh chỉ là những sự bao bọc, tôi không có cơ hội để được va chạm, tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ bên ngoài xã hội. Hơn nữa, tôi cũng muốn được trải nghiệm trong một môi trường chuyên nghiệp hơn. Đấy là những lí do mà tôi quyết định dấn thân vào môi trường mới, đó là một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đan Mạch ở Việt Nam về lĩnh vực bất động sản. 

Từ trước đến nay được mọi người giúp đỡ, cơ hội việc làm đến với tôi quá dễ dàng nên tôi chưa có những trải nghiệm thực tế như tự mình đi xin việc, hay trả lời phỏng vấn. Vì vậy, dù đã có kinh nghiệm làm nhân viên bán hàng 4 năm nhưng khi đăng ký ứng tuyển vào vị trí chăm sóc khách hàng thì tôi đã bị trượt. 

Tôi đã rất lo lắng nhưng sự nỗ lực và kiên trì của tôi đã không bị uổng phí khi sau đó 1 vài tháng, công ty đó mở thêm một bộ phận chăm sóc khách hàng và tôi đã được nhận vào làm. Đây chính là bước khởi đầu của tôi trên hành trình tôi bước ra một môi trường hoàn toàn độc lập. Tôi đã tự mình đi xin việc, trải qua 3 vòng phỏng vấn, được làm từ những công việc nhỏ đến vị trí chăm sóc khách hàng chính thức. Nhờ vậy, tôi đã học được nhiều điều mới và có những trải nghiệm đáng giá. 

PV: Được biết hiện tại chị đang là CEO của một công ty đồ họa bất động sản, vậy chị hãy chia sẻ về câu chuyện thành lập và phát triển công ty của mình?

Vũ Thị Quyên: Là một người khuyết tật, tôi hiểu rõ được những hạn chế của các bạn cùng hoàn cảnh với tôi khi tham gia vào thị trường lao động. Do đó, tôi và các cộng sự của mình muốn tạo dựng một cộng đồng để hỗ trợ dạy nghề, giúp các bạn hòa nhập và tạo cơ hội việc làm cho các bạn. Từ đó We-Edit đã được ra đời, chuyên cung cấp các thiết kế đồ họa bất động sản. Công ty thành lập vào 2018 và đến bây giờ đã được 6 năm, khách hàng của công ty 100% là người nước ngoài. Ban đầu thành lập, công ty có khoảng 10 người, bây giờ đã mở rộng quy mô khoảng gần 100 người. 

Với tôi, điều khó khăn nhất tại thời điểm mới thành lập công ty đó làm thế nào để vận hành hiệu quả và trở thành một người lãnh đạo tốt. Để cải thiện điều đó, tôi đã tham gia thêm một khóa học trao đổi ngắn hạn tại Úc năm 2019 có tên là “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo". Chuyến đi là một cột mốc rất lớn làm thay đổi phong cách lãnh đạo của tôi với công ty. Tầm nhìn, văn hóa, kế hoạch của công ty được xây dựng logic và cụ thể hơn trước đó rất nhiều. 

Mặc dù không được học Đại học từ ban đầu, bây giờ vừa đi học vừa đi làm thực sự rất vất vả và có nhiều khó khăn; nhưng chỉ cần có cơ hội đến với tôi, nhất là những khóa học ngắn hạn, tôi luôn sẵn sàng dành thời gian và công sức để cải thiện và nâng cao kiến thức của mình. Đồng thời, trong quá trình vận hành công ty, tôi cũng quan tâm đến những đóng góp và chia sẻ của các bạn nhân viên. Bởi vì theo tôi, có rất nhiều điều tôi cần phải học hỏi từ những người đồng nghiệp của mình. Đi chậm cũng được, nhưng tôi luôn đảm bảo sự chắc chắn, bền vững và uy tín cho công ty của mình. 

PV: Trên con đường chị đi, đâu là bước ngoặt mà đã khiến chị cảm thấy tự hào nhất? 

Vũ Thị Quyên: Có hai bước ngoặt khiến tôi tự hào nhất trong sự nghiệp của mình, đó là khi tôi nhận được đồng lương đầu tiên do chính mình tự kiếm ra và khi tôi có thể trả được những đầu tiền lương đầu tiên cho nhân viên của tôi. 

Là một người khuyết tật, tôi có tâm lý bản thân là gánh nặng khi phải lệ thuộc và xin tiền từ gia đình. Do đó, khi kiếm được những đồng tiền lương đầu tiên thực sự là bước ngoặt lớn của đời tôi. Tháng lương đầu tiên tôi chỉ kiếm 500 nghìn đồng. Số tiền đó khi ấy thậm chí còn không đủ để tôi đi taxi đi học. Tuy nhiên, nó khiến tôi vô cùng tự hào vì đã tự làm ra đồng tiền bằng chính sức lao động của mình. 

Tôi hiểu các bạn khuyết tật cũng sẽ có những suy nghĩ bị lệ thuộc giống tôi và tôi muốn giúp cho các bạn thoát khỏi tâm lý đó. Nhìn thấy các bạn nhân viên vui cười hạnh phúc khi nhận được những đồng tiền lương, tôi đã thật sự xúc động và tự hào. 

PV: Thời gian tới, chị có dự định gì để phát triển bản thân cũng như góp phần giúp đỡ nhóm người yếu thế không?

Vũ Thị Quyên: Tôi luôn tự nhủ rằng học tập là hành trình không bao giờ có điểm kết thúc. Nhất là với một người không được học bài bản qua trường lớp chuyên ngành như tôi. Tôi muốn được trau dồi thêm nhiều kiến thức, vừa để đi tìm năng lực của chính bản thân mình, vừa để duy trì và phát triển công ty, tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm cho người khuyết tật. 

Trao quyền cho người khuyết tật, mang đến cho họ cơ hội hòa nhập và phát triển là mục tiêu cao đẹp mà tôi luôn hướng đến. Tôi luôn ấp ủ dự định trong tương lai sẽ có thể tài trợ cho các trường học xây dựng thêm lối đi dành riêng cho các bạn khuyết tật di chuyển bằng xe lăn, giúp các bạn có cơ hội được đến trường học tập một cách dễ dàng hơn. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
 
                               Thực hiện: Phương Linh, Phạm Minh, Hoài Phương, Nhật Trà