Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024
dfd -0
dfd -0
Phóng viên: Thưa bà, hiện nay không ít những doanh nghiệp liên tục cắt giảm nhân sự; chính vì thế, tình trạng thất nghiệp khi mới 30 tuổi ngày càng tăng. Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và tác động đến thị trường lao động thế nào?
PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu: Như chúng ta thấy, tình trạng thất nghiệp tuổi 30 chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Với những ngành như may mặc, da giày, thuỷ hải sản… thực tế cho thấy rằng họ không qua đào tạo, xuất phát là lao động địa phương.
Hơn nữa, những lao động phổ thông này chỉ thành thục nghề từ thực tiễn. Đến khoảng những năm 30 tuổi, họ trở nên cứng cáp và bắt đầu đòi hỏi một mức lương cao hơn, giờ làm giảm đi. Nhưng họ lại không có trình độ, bằng cấp nên doanh nghiệp dựa vào đó để không trả mức lương cao như họ mong muốn. Đến lúc này, giải pháp tốt nhất là cho họ nghỉ việc.
Từ vấn đề đó, họ lại phải đi tìm việc mới ở độ tuổi rất khó để làm lại từ đầu, trừ khi họ có chứng chỉ nghề. Chẳng hạn, với những công nhân may có chứng chỉ nghề may bậc 5, bậc 7 thì khi chuyển sang nơi mới, người công nhân đó vẫn có thể tiếp tục công việc ở vị trí tương đương.
Tất nhiên, điều này gây ra hai tác động lớn đối với thị trường lao động.
Thứ nhất, nó gây ra tình trạng dư thừa lao động, hay còn gọi là lãng phí nguồn lực lao động. Độ tuổi 30 là độ tuổi vẫn còn sung sức, người lao động (NLĐ) vẫn có thể làm việc và cống hiến được nhiều hơn thế. Việt Nam đang nằm trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức là độ tuổi lao động của ta đang rất tốt (từ 15 đến 64 tuổi) nhưng các doanh nghiệp lại lãng phí nó. Trong khi đó, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 5 - 10 năm. Và theo các chuyên gia dự báo, năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số già”.
Thứ hai, ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội. Vấn đề rút BHXH một lần hay “nạn tín dụng đen” sẽ ngày càng phát sinh nhiều hệ luỵ nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn trong thời gian dài. Nhiều NLĐ buộc phải hưởng BHXH một lần khi thất nghiệp gây nên nguy hại cho thị trường lao động. Hơn hết, về lâu dài họ dễ dàng bị rơi vào bẫy nghèo, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, NLĐ mất việc làm không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, mà còn mất an ninh trật tự. Nếu không có giải pháp giải quyết hiệu quả, thì vấn đề này là câu chuyện rất đáng quan tâm và ảnh hưởng lớn đến đời sống của NLĐ và vấn đề an sinh xã hội.
Phóng viên: Hiện nay, nhà nước đã có những chính sách nào để bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động?
PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu: Hiện nay, nhà nước đã có những chính sách để bảo vệ tối đa quyền lợi NLĐ bằng Bộ Luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 và những điểm mới của Bộ Luật 2019 thể hiện rất rõ trong vấn đề này. Nổi bật nhất phải kể đến chương III: “Hợp đồng lao động”.
Thứ nhất, về việc giao kết ký kết hợp đồng lao động. Khoản 1, Điều 13 nêu rõ: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”
Trong thực tế hiện nay, tồn tại rất nhiều từ ngữ để “trốn” không ký hợp đồng lao động như nghiên cứu viên, biên tập viên, cộng tác viên, thực tập sinh… nên trong luật đề cập cụ thể những cụm từ dễ hiểu (“bằng bất cứ tên gọi nào”, “có việc làm”, “sự trả công”...).
Bên cạnh đó, pháp luật thừa nhận mọi hình thức ký hợp đồng lao động, bằng bút hay giao dịch điện tử đều có giá trị như nhau.
Thứ hai, về mặt thẩm quyền ký hợp đồng lao động. NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên tự mình giao kết, nhưng từ 15 đến chưa đủ 18 phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện. 
Thứ ba, về việc NLĐ giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động. Pháp luật cho phép NLĐ ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều nhiều người sử dụng lao động nhưng với điều kiện phải đảm bảo đầy đủ các nội dung hợp đồng đã giao kết. Và vấn đề hưởng các quyền lợi (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp) chỉ có hiệu lực với hợp đồng đầu tiên.
Thứ tư, vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là điểm mới so với Bộ Luật Lao động 2012. Đó là NLĐ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do theo một số điều kiện. Và ngược lại trong những trường hợp của luật định thì người lao động không cần phải báo trước (Điểm a-g, Khoản 2, Điều 35).
Thứ năm, vấn đề phương án sử dụng NLĐ. Bộ Luật Lao động 2019 nêu rất rõ phương diện này. Chẳng hạn, doanh nghiệp A cần cắt giảm lao động. Doanh nghiệp A đó phải liệt kê những người bị cắt giảm có bao nhiêu người đến tuổi nghỉ hưu để giải quyết hưu trí, người đang tuổi lao động thì phải cho đi học nghề, người nào có nghề rồi thì phải cho họ đi nâng cao trình độ kỹ năng nghề… Tóm lại, doanh nghiệp buộc phải tìm mọi biện pháp để hỗ trợ NLĐ
Phóng viên: Thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương tăng 301.000 đồng so với quý IV/2023 và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023, kỳ vọng tiền lương đang tăng, điều này thể hiện điều gì?
PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu: Khi mức lương của người lao động tăng, đồng nghĩa với việc GDP tăng. Điều này cho thấy rằng nền kinh tế của Việt Nam đang ngày càng phát triển. Một nguyên lý của tất cả các nước trên thế giới là khi GDP tăng, tiền lương phải được điều chỉnh, đó là quy luật của kinh tế thị trường. Nếu các nước bảo thủ, không điều chỉnh tức là nước đó không phát triển. Vậy nên, Việt Nam không thể làm khác đi được.
Nhưng có một vấn đề, ở Việt Nam, khi tiền lương tăng như vậy, tức là giá thị trường cũng đi theo. Điều này không ít thì nhiều là trở ngại cho cuộc sống của những người lao động có thu nhập thấp, họ dễ rơi vào khủng hoảng vì không đủ khả năng chi trả.
Phóng viên: Người lao động phải trang bị điều gì để luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với tình trạng thất nghiệp bất cứ lúc nào như hiện nay?
PGS. TS. Lê Thị Hoài Thu: Ở Việt Nam, người lao động khi bước chân vào thị trường phải rất coi trọng văn hoá nghề. Khi bạn đã có một trình độ nghề, rõ ràng bạn sẽ chẳng phải lo sợ điều gì, đặc biệt là thất nghiệp. Dù doanh nghiệp đó có thể thay đổi cơ cấu, họ có thể phá sản, đầu tư thua lỗ hay nhà đầu tư rút giấy phép đầu tư… thì bạn vẫn tự tin tìm được việc ở nơi khác.
Thực tế hiện nay, NLĐ luôn ở vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động. Điều này sẽ chỉ được giải quyết khi bản thân NLĐ có một trình độ nghề nhất định, và trình độ nghề ấy cũng phải tương ứng với công việc họ làm.
“Học một đằng, hành một nẻo” là thực trạng rất phổ biến, ngay cả sinh viên mới ra trường. Đào tạo cần phải theo nhu cầu của xã hội nhưng các trường và cơ sở đào tạo hiện nay chủ yếu chạy theo nhu cầu của chính họ, tạo ra làn sóng thất nghiệp ngày càng lớn. 
Đây là một vấn đề nóng bỏng. Vậy nên để NLĐ luôn sẵn sàng ứng phó với tình trạng thất nghiệp và “bình đẳng” với người sử dụng lao động thì NLĐ phải rất quan trọng văn hoá nghề và học với hành đi liền cùng nhau.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nhóm PV MĐT K41