Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024
 
Nhà báo Kiều Thiện (Trưởng phòng Văn phòng đại diện Tây Bắc, Báo Nông thôn ngày nay) là một “cây bút” thâm niên trong làng báo vùng cao. Ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với mảnh đất Tây Bắc và có nhiều bài báo hay về cuộc sống, con người nơi đây.  
 
 
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết duyên cớ nào đã dẫn ông đến với nghề báo?
 
Nhà báo Kiều Thiện: Làm báo là nghề tôi mơ ước từ nhỏ. Nhưng tôi lại đến với nghề rất muộn, sau khi đã làm cả chục nghề khác. Có lẽ cũng chính bởi đã làm cả chục nghề khác, được đi nhiều, biết nhiều nên đã thôi thúc tôi đến với nghề báo mãnh liệt hơn. Vào những năm 1990, tôi tập viết báo và đã thành công ngay từ những bài tập đầu tiên, tức là được đăng tải và được người trong nghề đánh giá cao. Điều đó khích lệ tôi rất lớn và từ đó tôi theo đuổi nghề báo.
 
 
PV: Nói về Tây Bắc, người ta thường hình dung bằng những hình ảnh như “rừng thiêng nước độc”, đường đi quanh co, dốc cao, vực sâu, sỏi đá cằn khô, chưa có điện, chưa có nước sạch,... ông nghĩ sao về hình dung này?
 
Nhà báo Kiều Thiện: Sự hình dung đó quả là không sai, cho dù đến hôm nay, Tây Bắc đã có sự phát triển rất mạnh. Nhưng những khó khăn trong quá khứ vẫn chưa thể lấp đầy dù Tây Bắc có nhiều nỗ lực và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Bây giờ đến với Tây Bắc, bạn có thể thấy ở những nơi đô thị, trung tâm tỉnh, huyện hoặc một vài thị tứ, khu dân cư nào đó có sự phát triển mạnh mẽ nhưng sự phát triển ấy cũng chưa là phổ biến. Khó khăn của vùng cao vẫn rất nhiều và mãi mãi sẽ là chủ đạo. Những khó khăn ấy tồn tại lâu cũng bởi nó phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, xã hội học; chẳng hạn như vùng cao thì nó phải có núi cao, vực thẳm, thác nước, đèo dốc quanh co… Chủ nhân của những vùng đất này chủ yếu là bà con dân tộc ít người, trình độ nhận thức cũng như mức sống, vốn tích luỹ còn hạn chế; khu dân cư cũng rải rác theo bản làng, dòng tộc…. Những yếu tố ấy là thách thức rất lớn với quá trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa vùng cao với đồng bằng, đô thị… Tuy vậy nhưng với sự tiến bộ của xã hội hôm nay cũng như sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự cố gắng của bà con các dân tộc, những khoảng cách ấy đang được rút ngắn; từ khó khăn phổ biến trở thành khó khăn cục bộ.  
 
 
PV: Tác nghiệp tại vùng cao có những điểm gì khác so với tác nghiệp tại miền xuôi? Ông có thể chia sẻ về một trải nghiệm đáng nhớ khi tác nghiệp tại đây không?
 
Nhà báo Kiều Thiện: Với những đặc thù của vùng cao thì tất nhiên sẽ có nhiều điểm khác biệt với tác nghiệp báo chí ở vùng đồng bằng, đô thị. Trong những khác biệt ấy, có những khác biệt làm ta thích thú nhưng cũng có không ít khác biệt làm ta không được vui, thậm chí là ấn tượng đến khó quên.
 
Người làm báo từ đô thị đến vùng cao Sơn La sẽ không khỏi xao xuyến, choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ; được thấy núi, thấy rừng; thấy thượng nguồn những con sông lớn, thấy vách đá cao, thấy vực sâu thắm; hưởng làn gió mát trong lành từ những dãy đại ngàn thổi tới… Nhưng rồi chính trong niềm hứng khởi ấy, bạn sẽ nhanh chóng gặp những điều mong muốn trong tác nghiệp: Đường xá đi lại khó khăn, nhiều lúc phải đi bộ trên những cung đường đầy nguy hiểm; sóng điện thoại, kết nối Wifi chập chờn, thậm chí nhiều lúc mất hẳn. Rồi có thể sau cả buổi trèo đèo lội suối, bạn lại không gặp được đối tác bởi họ bận đi nương, bận đi chơi nhà quen ở xa phải mấy ngày nữa mới về. Có thể bạn bất chợt gặp những cơn mưa rừng đột ngột làm bạn không biết tránh vào đâu; rồi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…  
 
 
Nghề báo ở vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm. Trong đó, đáng nhớ nhất là một chuyến đi bộ xuyên rừng từ 6h sáng với cây gậy bằng thân gỗ tươi cao hơn đầu người. Chúng tôi xuất phát từ xã Nậm Lầu ( huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La để đến bản Sa Hòn trong xã Nậm Lầu. Đường đi là đường chuột chạy, cứ vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác dưới cái nắng tháng tư và gió Lào hầm hập. 10h đêm chúng tôi mới tới được bản Sa Hòn, khi ấy cây gậy chống dò đường của tôi chỉ còn khoảng 80cm, bởi nó đã dập, mòn và gãy nát dần trên cung đường đến bản. Toàn thân tôi như muốn rời ra. Đêm ấy, tôi rất mệt nhưng không thể ngủ ngon giấc bởi cứ 1 lát lại thấy ầm ầm quanh bản với những âm thanh của kim khí, gậy gỗ, tiếng hò, tiếng thét thất thanh (bằng tiếng dân tộc) như người ta đang tổ chức lễ hội nào đó ở thời rất hoang sơ mà bạn vẫn thấy trên ti vi về đời sống của một bộ tộc nào đó ở châu Phi.
 
 
Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi mới biết đó là đêm qua dân bản đuổi khỉ, lợn rừng về ăn cắp sắn, cắp ngô (Dân đuổi chứ không bắn). Những âm thanh kì lạ kia là tiếng đập ống tre, cây gỗ, vung nồi… nhằm xua thú trở lại rừng. Trong ánh sáng buổi bình minh, tôi mới biết là ở bản ấy, dù không có đường ô tô, xe máy, chỉ duy nhất con đường bộ ngựa đi cũng chồn chân nhưng cả bản đều có nhà lợp ngói. Không ai sinh con thứ 3, không có hộ nghèo, không có trộm, cắp…. Khi ấy những mệt mỏi, lo ngại tiêu tan trong tôi và những hưng phấn dội về cao độ, khiên tôi có thể viết nháp trong đầu cả một loạt bài về Kì Bí Sa Hòn…
 
 
PV: Nghề làm báo là một nghề nhiều thách thức. Người làm báo vùng cao lại càng cần đối diện với bao nỗi nhọc nhằn. Vậy điều gì khiến ông vẫn ở lại và vẫn say sưa viết về nhịp sống nơi đây?
 

Nhà báo Kiều Thiện: Gọi làm báo là nghề cũng được nhưng tôi nghĩ là hơn thế, viết báo là nghiệp. Có lẽ gọi là nghiệp thì đúng hơn. Hàng năm vẫn có hàng ngàn sinh viên báo chí ra trường nhưng số trở về làm báo thật thì không nhiều. Thêm vào đó, có không ít người đang hành nghề báo chí lại xin chuyển nghề, đổi nghề… Trong trăm ngàn lí do để không đứng lại với nghề báo, trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi nghĩ đó là cái nghiệp báo không có trong họ.

 

Nói vậy là bởi làm nghề báo đòi hỏi một điều quyết định, đó là yêu nghề. Nếu yêu nghề thật sự thì dù anh chưa giỏi thì có thể học để giỏi lên. Dù anh chưa đủ sống thì vẫn có thể kiếm thêm bằng nghề khác nhưng không bỏ nghề báo. Dù nghề báo có những lúc thăng trầm nhưng anh cũng không bạc với nghề. Làm báo ở vùng cao cũng vậy. Và với tôi, có lẽ nghề báo giữ chân được tôi có lẽ bởi cái nghiệp; nói cách khác thì là bởi tôi rất yêu nghề báo (ông cười mỉm). Bên cạnh đó, tôi đã có gần 40 năm gắn bó với vùng cao, với bà con các dân tộc và hiểu được phần nào những cái đẹp, cái hay, cái lạ trong đời sống văn hoá của đồng bào cũng như thiên nhiên vùng cao. Điều ấy tạo nên sự gắn bó của tôi với vùng cao và vùng cao với tôi. Nghề báo lại là nghề đưa tới bạn đọc những thông tin mới, lạ, những điều mà bạn đọc thích khám phá, thỏa trí tò mò, định hướng, dẫn dắt, sáng tỏ … Vùng cao đáp ứng giúp tôi những yêu cầu nghề nghiệp ấy. Nói cách khác, vùng cao nơi tôi làm nghề báo có những thông tin mà bạn đọc cần, bạn đọc muốn biết và tôi là một người có nghiệp báo đưa đường nên khó có thể xa nghề.
 
 
PV: Là một nhà báo có nhiều năm cầm bút, dày dạn kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang theo đuổi nghề báo nói chung và theo đuổi nghề báo vùng cao nói riêng? 
 

Nhà báo Kiều Thiện: Không có một lời khuyên nào có thể đáp ứng mong mỏi của tất cả mọi người; đặc biệt là với thế hệ trẻ - thế hệ mà những khao khát, khát vọng luôn đầy ắp trong khi những thử thách, khó khăn lại chưa từng trải. Nhưng tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng: Cũng như bao nghề khác, nghề báo đòi hỏi một tình yêu nghề rất lớn, một cái tâm, một cái tầm, một sự quyết đoán, bản lĩnh hơn rất nhiều nghề. Ở nghề báo, lòng yêu nghề, cái tâm, cái tầm, bản lĩnh nghề nghiệp thể hiện trong từng phút, từng giây, từng con chữ. Nếu không yêu nghề thì đừng đến với nghề báo !    

 

Cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ!