Danh mục Thứ Tư, 24/04/2024

 

Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Nhà báo Đậu Ngọc Đản là một học sinh giỏi văn từ nhỏ, có niềm đam mê với viết lách từ rất sớm. Từ bài báo được đăng trên Báo Nhân dân viết về một ông bưu điện xã, đến bài viết về tấm gương của một cô vợ bộ đội giỏi việc nước đảm việc nhà được giải Nhì của báo Hà Tĩnh, ông được nhiều người gợi ý theo đuổi nghề báo. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp lớp 10, ông được tuyển vào Đại học Thủy sản nhưng rẽ lối trở thành sinh viên khóa I của Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là khóa đầu tiên được đào tạo chính quy ngành báo chí xuất bản ở nước ta. 
 
Mùa xuân năm 1972, do yêu cầu của chiến trường, Tổng cục chính trị chọn trong bảy lớp (lúc đó gọi là chi) báo chí được 53 sinh viên khóa I học cấp tốc ba tháng lớp phóng viên tiền phương. Đang học năm thứ ba, ông và nhiều sinh viên khác được phiên chế thành đại đội 28 (28/2/1072), đưa vào tham gia mặt trận Quảng Trị - chiến trường đầy ác liệt lúc bấy giờ. Cuộc đời phóng viên chiến tranh của nhà báo Đậu Ngọc Đản cũng bắt đầu từ đó.
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
“Nếu các anh trở về đông đủ/ Sư đoàn ta đã thành mấy sư đoàn” - hai câu thơ là ký ức về mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị trong tâm trí nhà báo Đậu Ngọc Đản. Khi đó, ông là phóng viên thuộc biên chế của Tổng cục Chính trị Quân đội, lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt. 
 
Tại Thông tấn Quân sự, nhà báo Đậu Ngọc Đản được đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Suốt hai năm 1973-1974, ông liên tục được cử vào chiến trường Quảng Trị. Trên tuyến đầu nóng bỏng nhất tại cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977-1979 cũng có sự góp mặt của nhà báo. Tháng 02/1975,  ông được lệnh vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân. Ngày 29/4, ông gặp Cục trưởng Cục Văn hóa Phạm Hồng Cư và Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu tại Xuân Lộc. Nhà báo Đậu Ngọc Đản trực tiếp nhận nhiệm vụ cùng Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304 vào Sài Gòn và tiến thẳng vào Dinh Độc lập. “11h30 ngày 30/4, ngoài tôi còn có anh Hoàng Thiểm (quê Hà Giang) có mặt ở đây” - ông bồi hồi nhớ lại. 
 
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Hà Tĩnh hồi đầu năm 2020, Trung tướng Phạm Hồng Cư khi được hỏi về nhà báo Đậu Ngọc Đản đã chia sẻ rằng ông vẫn nhớ như in hình ảnh của người phóng viên năm xưa được mình trực tiếp giao nhiệm vụ. Đó là một anh phóng viên trẻ, nhưng là người được chỉ huy hết lòng tin tưởng với sự nhanh nhẹn mưu trí, giải quyết tốt từng tình huống bất ngờ trong chiến tranh. Trung tướng gặp nhà báo Đậu Ngọc Đản ở ngay đơn vị đi đầu của Quân đoàn 2 và ông đã giao cho chàng phóng viên trẻ ngày đó nhiệm vụ bám sát các đơn vị. Sau này, nhà báo Đậu Ngọc Đản đã làm tròn nhiệm vụ, lấy được hình ảnh của Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh.
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
 
Trong chùm ảnh lịch sử đó, nhà báo Đậu Ngọc Đản đã lựa chọn chia sẻ cho phóng viên về bức ảnh “Cô Nhíp - chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng tiến vào Sài Gòn năm 1975’’. Đó là bức ảnh lịch sử, có hàm lượng thông tin rất lớn, vừa nói được sự thần tốc, vừa thể hiện được tính chất toàn dân, toàn diện. Ông hồi tưởng: “Tôi gặp cô Nhíp ở Tân Sơn Nhất. Thấy xe tăng cắm cờ của quân giải phóng, lại có cô gái đẹp, vừa hiền dịu, vừa hiên ngang. Hỏi, được biết là xe tăng Quân đoàn 3, cô gái tên là Cao Thị Nhíp, tên hoạt động Nguyễn Trung Kiên. Nhíp con nhà nghèo quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan ngụy’’. Hình ảnh cô Nhíp đã gợi cho ông cảm giác đây là đại diện cho một hình tượng. Đó là hình tượng của Tổng tiến công và nổi dậy, là hình tượng của quân dân Việt Nam với nụ cười tươi sáng, hiền dịu nhưng ánh lên nét kiên cường gan góc, quyết thắng. Tư thế chiến thắng của người con gái ấy toát lên sự nhân hậu, vị tha. 
 
Nhà báo Đậu Ngọc Đản luôn tự hào khi là một người lính, một phóng viên chiến trường, được vinh dự chứng kiến và ghi lại một góc nhỏ của sự kiện lịch sử to lớn trong số hàng nghìn nhà báo vào trận. Ông thấy may mắn vì luôn được đi theo mũi chủ lực của quân giải phóng, chứng kiến những giờ phút giải phóng huy hoàng tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. 
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Nói về những khó khăn và kinh nghiệm làm nghề tại chiến trường ác liệt, nhà báo nhận định: “Kinh nghiệm muôn thuở, đặc trưng nghề nghiệp là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác”. Thời đó tìm phương tiện giao thông để di chuyển thật khó khăn, đặc biệt là với một nhà báo trẻ lần đầu tới Sài Gòn và không biết đường như ông. Trong một lần gặp tình thế gấp gáp, ông nghĩ ngay đến việc nhờ những người lính Sài Gòn. “Tôi là nhà báo miền Bắc vào. Bây giờ có tài liệu cần đưa ra Hà Nội. Ai biết lái xe và có thể đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất?”. Khi đó, ông đã được người lính nhỏ con có tên Võ Cự Long, là sĩ quan lái xe dẫn đường cho đoàn xe của Nội các chính quyền Sài Gòn giúp đỡ đưa đi.
 
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
 
Nhà báo Đậu Ngọc Đản chia sẻ, trong thời chiến điều kiện thông tin liên lạc không được thuận lợi như bây giờ. Khi ấy, gửi một bài báo cũng gặp biết bao gian khổ. Có những bài gửi bằng thư tay để ra Hà Nội, gửi về những trung tâm báo chí liên lạc đòi hỏi phải hết sức nhanh nhạy, bài nào về thời sự thì phải gửi ngay. Thời đấy các phóng viên chiến trường làm việc có khi là một, hai giờ sáng trong hầm; không thấy chữ vì không có chút ánh sáng nào cả. Nhưng cứ có thông tin là sẽ viết ngay. Lúc ấy viết báo là phản ánh những câu chuyện cuộc đời đơn giản của những con người nơi chiến trường, và những bài báo ấy khi đến tay những người lính luôn được họ yêu thích, tấm tắc khen hay.
 
Đồng hành cùng nhà báo Đậu Ngọc Đản tác nghiệp trên chiến trường ngày ấy là sổ tay, bút máy và đặc biệt là chiếc máy ảnh Canon ống kính liền một tiêu cự - kỷ vật quý giá mà ông luôn nâng niu gìn giữ. Chiếc máy đã chớp lấy khoảnh khắc cô Nhíp - nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn dẫn đoàn cho xe tăng Quân đoàn 3 tiến đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, bức ảnh xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, bức ảnh trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ trung đoàn 66 sư đoàn 304 dẫn Dương Văn Minh và nội các ra đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng… Tất cả đã trở thành tài sản vô giá của nhà báo Đậu Ngọc Đản, là những kỷ vật thiêng liêng mà ông mang theo suốt cuộc đời làm báo của mình.
 
Trong chiến tranh, người phóng viên cũng chính là một người lính, vũ khí chiến đấu của họ là máy ảnh và ngòi bút. Nhà báo Đậu Ngọc Đản đã giữ vững tinh thần cống hiến ấy, lăn lộn giữa sự sống và cái chết để có được những hình ảnh, ghi chép ấn tượng - dấu ấn của một cuộc chiến hào hùng, bất khuất. Sự hy sinh của ông và của cả thế hệ phóng viên quân sự là một phần của chiến thắng quật cường từ dân tộc Việt. 
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
Trở thành phóng viên Thông tấn quân sự khi mới ngoài 20 tuổi, nhà báo Đậu Ngọc Đản khi ấy vừa rời ghế giảng đường đã dấn thân vào “vùng lửa” - chiến trường Quảng Trị. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, sự gan dạ và tình yêu nghề, ông ghi dấu ấn với những tác phẩm giá trị, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Khi chuyển về công tác tại báo Nhân dân, ông viết nhiều và viết xuất sắc về quân sự. Đặc biệt, ông có nhiều bài viết gây xúc động ở đề tài chiến đấu về sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân ta chống trả quân Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma. Nhà báo Đậu Ngọc Đản từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn với báo Công an nhân dân vào năm 2011: “Tôi cũng còn những khoảnh khắc khác mà tôi rất tự hào trong nghề làm báo. Tôi là nhà báo duy nhất ở cùng các chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh Hải quân năm 1988 đêm trước lúc họ ra Trường Sa. Và không bao giờ họ trở lại nữa… Đó là những ký ức sâu đậm và vô cùng xúc động. Xúc động đến nghẹn ngào…’’
 
Khi đảm nhận vị trí mới là Tổng biên tập tạp chí Truyền hình, cái tâm và tình yêu với cây bút của nhà báo không hề thay đổi, vẫn là sự nhiệt huyết và lăn xả hết mình như anh phóng viên trẻ tuổi mới hai mươi tại chiến trường ngày xưa ấy. Ông vẫn đam mê viết lách và tình yêu với nghề của ông ngày một tăng lên. Khi nghỉ hưu, có nhiều điều từng trải hơn nên dường như ngòi bút của ông lại càng điềm đạm, sâu sắc, thấm thía tình đời. 
 
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
 
Nhà báo Đậu Ngọc Đản từng chia sẻ về nguyên tắc của mình trong nghề báo: “Đó là say mê, có ước vọng cống hiến, có niềm tin chân lý và chiến đấu để bảo vệ nó, không lung lạc trước mọi cám dỗ, quyền lợi trái ngược với đạo lý. Làm báo là làm chính trị nhưng không vì thế mà lợi dụng nó để mưu cầu lợi ích riêng từ hoạt động chính trị… Và phải đọc, phải học suốt đời; có kiến thức mới, có biết bạn đọc cần gì mới có thể cống hiến được chứ không chỉ có tấm lòng, lý tưởng’’. Với ông, nghề báo là nghề cao quý, hấp dẫn và bản thân mỗi nhà báo nên trân trọng chính cái nghề ấy của mình. 
 
Hơn nữa, theo ông, nghề báo là một nghề hay vì được đi nhiều, nghe nhiều, do đó học được nhiều. Làm báo không muốn mới cũng phải mới, nên được và phải làm mới mình liên tục. Khi bài báo viết xong, trước mắt lại là một tờ giấy trắng, lại “về mo” và cái đầu cũng trắng. Sang ngày mới, lại sẽ là đề tài mới bắt đầu lại từ đầu… Và như thế chúng ta cần phải chủ động và sáng tạo, nhưng làm cái mới không có nghĩa là làm nhanh, làm ẩu mà phải viết bằng chính cái tâm làm nghề, các tác phẩm phải tạo được nét riêng của mình để xứng đáng là một nhà báo chân chính và được mọi người nhớ đến.
 
Khi được hỏi về việc làm báo bây giờ có khó hơn trước hay không, nhà báo Đậu Ngọc Đản trả lời rằng: “Tiêu chí mỗi thời mỗi khác, mỗi thời cần những kiểu nhà báo khác nhau, làm báo nói cho cùng là vì độc giả dù chúng ta luôn cố gắng thực hiện tốt những nhiệm vụ được cấp trên giao. Nói về thế hệ làm báo thời ấy, các nhà báo đều cầm cây bút viết với một sự say mê nghề nghiệp, coi đây như một nghề tối thượng "thượng tôn vô bình" mà người ta theo đuổi. Bây giờ khi đọc lại những bài báo của các thế hệ trước, có thể dễ dàng nhận thấy rằng thực ra không phải kiến thức người ta ghê gớm gì nhưng người ta vì yêu nghề, người ta tự trọng về nghề nghiệp, nên người ta đi nhiều, người ta đọc nhiều, suy nghĩ nhiều thì lúc ấy người ta mới đặt bút viết. Như Lê Quý Đôn đã nói rồi, trong đầu phải có ba vạn cuốn sách, trong mắt phải thấy được hết núi non hướng trời…”
 
Đối với nhà báo Đậu Ngọc Đản, sự đổi mới và khác biệt là ở trong tiềm thức của mỗi con người, và ở thế hệ nào cũng có những con người đổi mới: những trí giả. Và trí giả phải là người biết công nhận cái đúng của người khác. Theo quan điểm của ông, dù ở thời nào ta cũng nên làm việc vì lợi ích chung:“Sống trong cộng đồng thì phải biết thích ứng với nhau, thậm chí phải biết hy sinh vì nhau. Nếu chúng ta cứ muốn cái gì cũng được thì rất khó. Thực sự, chấp nhặt nhau thì dễ, nhưng nương nhau vì công việc chung thì mới khó”.
 
Nhà báo, TS. Đậu Ngọc Đản: Năm thập kỷ miệt mài với con chữ, song hành cùng những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc -0
 
Thế hệ làm báo trong thời kỳ nhà báo Đậu Ngọc Đản giờ đã ở tuổi xế chiều, nhưng họ vẫn luôn trân quý những giá trị ý nghĩa của nghề mang lại. Đó là nói được tiếng nói của dân, được dân tin mến, sẻ chia và tôn trọng. Và khi đã là một nhà báo, dù có chức vụ hay không, thì vẫn được người dân nhớ đến qua từng tác phẩm, vẫn làm việc và sáng tạo không ngừng. 
 
Đại tá Diệp Xuân Phong đã từng chia sẻ về nhà báo Đậu Ngọc Đản: “Đối với nhà báo Đậu Ngọc Đản thì cũng vẫn còn đang say mê với nghề nghiệp, đang giúp cho nhiều sinh viên Báo chí sau này bảo vệ các luận án tiến sĩ và thạc sĩ và là một trong những ủy viên của hội đồng tư vấn của Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đến cái tuổi nghỉ ngơi nhưng bằng cái kinh nghiệm và cái say mê nghề nghiệp thì hiện nay vẫn và tiếp tục đóng góp cho cái sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam’’. 
 
Những chiêm nghiệm của nhà báo Đậu Ngọc Đản trong hành trình năm thập kỷ cầm bút cũng là tiếng lòng chung của một thế hệ người làm báo: đi qua cả thời chiến và thời bình, song hành cùng lịch sử dân tộc. Và mạch nguồn ấy, khí chất ấy sẽ luôn là bài học quý cho các thế hệ làm báo kế tiếp về sau.