Danh mục Thứ Sáu, 03/05/2024
Nghĩa tình đồng đội -0
Theo lời của bà Lưu Thị Mến, tôi tìm đến bà Vũ Thị Hồng Nhu (74 tuổi) - người chị em thân thiết với liệt sĩ Nguyễn Thị Thi và là một trong những nữ dân quân trẻ nhất lúc bấy giờ. So với bà Mến đã có phần tuổi cao sức yếu, dáng đi nặng nề, mái tóc bạc quá nửa thì bà Nhu vẫn còn mạnh khỏe và dẻo dai.
Nghĩa tình đồng đội -0

“Tôi với Thi như hai mà một, đi đâu làm gì cũng có nhau” - Đây là những lời đầu tiên của nữ dân quân Lam Hạ Vũ Thị Hồng Nhu khi nhắc đến người “chị em ruột thịt” cùng chiến đấu với mình khi xưa.

Gần 60 năm về trước, Mỹ đánh bom vào tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam ở xã Phủ Lý - Hà Nam. Bộ đội phòng không ở Hà Nam rất mỏng, cần phối hợp tác chiến với dân quân địa phương. Ngày 5-8-1965, đại đội dân quân Lam Hạ được thành lập. Khi đó, Vũ Thị Hồng Nhu và Nguyễn Thị Thi là hai nữ dân quân nhỏ tuổi nhất làm đơn xung phong hiệp đồng tác chiến với đơn vị pháo.

Rót nước mời tôi xong, bà Nhu cầm tấm ảnh đồng đội trên tay, bồi hồi nhớ lại: “Tôi và Thi bằng tuổi, chơi thân với nhau từ bé, luôn sát cánh bên nhau. Kể cả đi chăn trâu, cắt cỏ, đi sinh hoạt thiếu niên hay đi chặt lá ngụy trang, đào hầm công sự, tham gia huấn luyện với các loại pháo, 2 đứa đều như hình với bóng”.
 

Nghĩa tình đồng đội -0

“Chúng tôi lúc bấy giờ là những thiếu niên đang ở độ tuổi trăng tròn, cũng có mơ mộng về cuộc sống, tình yêu và tương lai. Tôi, Thi cũng như các đồng đội chiến hữu đều mong chờ vào ngày đất nước độc lập, có thể cùng nhau tụ họp ôn lại chuyện xưa”

Khi đấy Nhu và Thi chỉ mới 15, 16 tuổi, là em út của đại đội. Tuy nhỏ tuổi nhưng cả 2 đều có lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực phi thường. Trên đầu máy bay bay đen như quạ, bom rơi dội xuống trận địa, cô thiếu niên chỉ nặng 40 kg nhưng trên đôi vai gầy vác hòm đạn vượt cả số cân nặng của mình, mạnh mẽ xông pha, trực tiếp đứng trên mâm pháo chiến đấu cùng với bộ đội, không sợ hi sinh.

Nghĩa tình đồng đội -0
Đặt đôi kính mắt xuống bàn, lau đi giọt lệ còn vương trên khóe mắt, bà đau lòng kể lại: “Chị em có “vỏ con chấy cũng cắn làm đôi”, thương nhau, quý nhau cực kỳ. Khi Thi hy sinh, mấy ngày liền tôi không thiết ăn uống gì, thương bạn, thương các đồng chí, không cầm nổi nước mắt”. 
Nghĩa tình đồng đội -0

Nhắc đến những đồng đội của mình bà lại rơm rớm nói: “1/10/1966, Mỹ tấn công thẳng vào trận địa, cả dân quân và bộ đội chết nửa đơn vị. Có người đứt cánh tay rơi tại chỗ, có người ruột văng từ gầm pháo bên này sang bên kia, còn có anh bộ đội đạp cò pháo, chân đứt lìa dắt ngay ở cò pháo, có người bị bom rơi chết, xác vắt qua thành pháo”.

Những kí ức đầy ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội đã để lại nỗi đau không thể nào nguôi ngoai trong lòng nữ dân quân. “Hồi trước mỗi nhà cứ buộc sẵn 1 cái võng, lúc nào có lệnh sẽ được điều ra khiêng người. Người sống khiêng trước, người chết khiêng sau, đi khoảng 3km mới đến nơi chữa trị. Có người làm nhiệm vụ bị thương mất cả miếng bụng, phải lấy bát ô tô úp vào. Nếu quân Mỹ đánh đúng vào cứ điểm chỉ huy, các y bác sĩ cũng hy sinh, không còn ai có thể cứu chữa được thì xem như chết hết.” Bà Nhu nghẹn ngào, xúc động thuật lại. 

Bầu trời bỗng đổ cơn mưa, dường như ông trời cũng đang khóc thương cho sự ra đi của những người anh hùng Lam Hạ. Trong dòng hồi tưởng, bà tiếp tục kể cho tôi nghe về kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình: “Lúc đấy có ông bộ đội tên Đinh Công Hồi - nhà ở Hà Nội, thuộc khẩu đội 1. Trận 1/10/1966, ông vừa đánh 2 trận xong liền xuống vệ đê vò khăn thông nòng súng thì chợt ông hô lên báo động “Chúng mày ơi, chết chết chúng mày ơi”. Ông lật đật chạy thẳng lên khẩu pháo nhưng khi cách khẩu pháo khoảng độ vài bước chân thì bị mảnh bom rocket cứa vào tĩnh mạch cổ. Ông được đồng đội cõng chạy đến chỗ cấp cứu nhưng cuối cùng vẫn hy sinh”.

Hy sinh mất mát đau thương là thế nhưng mọi người vẫn động viên nhau quyết tâm chiến đấu, một đường đi lên không bao giờ được lùi bước. 

“Các đồng chí ơi/ Hãy giữ lấy xóm làng/ Phải bắt chúng đền nợ máu/Rực lửa căm thù quê tôi nung nấu/ Ngày hôm nay và mãi về sau/Khắc sâu một vết thương đau/Quyết tâm phải trả thù sâu trong lòng/Đời này nếu trả chưa xong/Thù sau trả nốt quyết không phai mờ”- Bà Nhu đọc vanh vách cho tôi nghe những câu thơ đanh thép mà bà cùng đồng đội của mình đã sáng tác để động viên nhau khi tham gia chiến đấu.

Nghĩa tình đồng đội -0

Đã gần 60 năm kể từ ngày diễn ra trận chiến ác liệt ấy, nhưng những kí ức nhuốm màu “đỏ” của máu đồng đội vẫn còn đó, nằm sâu trong trái tim và tiềm thức của những người ở lại như cách vết sẹo vẫn nằm trên hàm má bà cụ Mến, nỗi xót thương đồng chí, đồng đội còn hằn sâu trong lồng ngực bà Nhu. Đó đều là những chứng tích lịch sử để rồi nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải giữ gìn, bảo vệ và xây dựng quê hương, Đất nước ngày càng giàu đẹp, để những vết thương tâm hồn, nỗi đau thể xác của các thế hệ anh hùng đi trước không trở nên vô nghĩa. 

Thu Hà - MDT K41