Là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam với niên đại hàng trăm năm, làng gốm Bát Tràng mang trong mình sứ mệnh cao cả là bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc về lịch sử, về văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời kỳ hiện đại nơi công nghệ và khoa học kỹ thuật chiếm ưu thế, việc làm sao để bảo vệ được những giá trị tốt đẹp đó cũng như ngọn lửa làng nghề là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Người dân và những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng vẫn luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh gìn giữ truyền thống bằng cách kết hợp kỹ - nghệ dân gian với đổi mới tư duy làm nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vào sản xuất và kinh doanh để cái tên “gốm Bát Tràng” ngày càng vươn cao vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị di sản làng nghề gốm Bát Tràng
Thích ứng với nhịp sống hiện đại, người dân Bát Tràng luôn có ý thức trong việc bảo tồn và trao truyền kỹ năng nghề nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng.
Trong số đó, có thể kể đến Chợ gốm Bát Tràng với diện tích 6000m2 với gần 300 gian hàng. Các gian hàng trong chợ là nơi có đủ mọi loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ. Tại đây, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, mua sắm các sản phẩm gốm sứ độc đáo với hoa văn tinh xảo như bình hoa, cốc chén, đồ chơi, đồ trang trí, đồ thờ cúng… Ngoài chức năng giao dịch, buôn bán sản phẩm, chợ gốm Bát Tràng còn là cầu nối giúp quảng bá Bát Tràng đến với khách hàng trong và ngoài nước. Điều đó được thể hiện qua sự hiếu khách, nhiệt tình của các gian hàng tại chợ, luôn tạo điều kiện cho khách hàng thoải mái tìm hiểu các mặt hàng gốm sứ mà không chèo kéo.
Một phương thức lan tỏa giá trị văn hóa làng gốm khác của người dân Bát Tràng là “sân chơi gốm” với hoạt động trải nghiệm làm gốm dành cho du khách. Trước đây, khi đến Bát Tràng, du khách chỉ tham quan, quan sát quá trình các nghệ nhân tạo sản phẩm gốm sứ. Thế nhưng với sự xuất hiện của sân chơi gốm đã phục vụ nhu cầu trải nghiệm cá nhân. Tại đây, để tham gia hoạt động “thử làm nghệ nhân” - sử dụng bàn xoay để có thể tự tay làm ra sản phẩm thô, du khách chỉ cần chi trả số tiền là 50.000 đồng/lần. Sau khi sản phẩm gốm được nung sơ, nếu muốn có sản phẩm gốm “hoàn thiện”, khách tham quan có thể tiếp tục với hành trình trải nghiệm “vẽ trang trí sản phẩm”. Ngoài ra, du khách còn có thể vẽ trang trí trực tiếp lên các sản phẩm tạo hình sẵn.
Cuối cùng, để sản phẩm vẽ màu trở thành đồ gốm hoàn chỉnh, khách hàng có thể yêu cầu nghệ nhân tráng men và nung gốm với mức phí nhất định, và thành quả sẽ được vận chuyển đến địa chỉ cụ thể khách hàng cung cấp. Sân chơi gốm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là thanh thiếu niên, bởi đáp ứng được nhu cầu, tâm lý của lứa tuổi.
Các bạn trẻ trải nghiệm nặn gốm tại sân chơi gốm. (Ảnh: Hà Phương)
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, người dân nơi đây hiểu rất rõ về nghề gốm. Người Bát Tràng rất biết “tận dụng” các di tích lịch sử - văn hóa, như đình, chùa, miếu, lò bầu, nhà cổ, ngõ nhỏ... để tạo “các điểm đến” cho du khách trong hành trình tham quan làng nghề. Vì vậy mà du khách có thể tự khám phá, trải nghiệm các địa điểm trong làng nghề.
Một số hình ảnh tại Lò Bầu cổ. (Ảnh: Hà Phương)
Đặc biệt, sự ra đời của Bảo tàng gốm Bát Tràng (Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt) với công trình kiến trúc độc đáo đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng trong việc lưu giữ tinh hoa nghệ thuật làng gốm trứ danh qua hàng trăm năm. Kiến trúc 7 vòng xoáy được tận dụng nhiều nguyên liệu cổ của làng gốm Bát Tràng như gạch men mosaic, gạch gốm cổ truyền, gói nung… để tạo nên màu sắc chân thực.
Nghệ nhân Bát Tràng và tình yêu gốm sứ
Đi sâu vào con đường làng lắt léo, rêu phong, qua khu chợ gốm, chúng tôi ghé thăm nhà và cũng là xưởng gốm nhỏ của nghệ nhân Phùng Bạch Long.
Bằng những thao tác nhanh gọn và điêu luyện trên bàn xoay, đôi tay lành nghề của nghệ nhân Phùng Bạch Long đã tạo nên một sản phẩm tròn trịa, đều đặn từ khối đất sét thô. Trong gian trưng bày của nghệ nhân Bạch Long, các sản phẩm dường như có dấu ấn riêng. Những chiếc bình hoa cỡ lớn miệng dài, những chậu cây, chậu hoa, những chiếc bình hút lộc bầu tròn, miệng nhỏ mang họa tiết hoa văn truyền thống với hoa hồng, hoa sen,… nhưng được chạm khắc nổi một cách khéo léo vô cùng đẹp mắt, tạo điểm nhấn thẩm mỹ đặc biệt cho người xem. Chiếc bàn xoay cũ kỹ nhưng đã sản sinh ra biết bao sản phẩm gốm sứ dưới bàn tay nghệ nhân để mang ra khắp đất nước. Đối với màu men, những loại men của ông Long, dù là màu mới hoàn toàn, nhưng luôn gợi cho người ta cảm giác mộc mạc, gần gũi của những dòng men cổ.
Nghệ nhân Phùng Bạch Long nặn gốm. (Ảnh: Hà Phương)
Có thể thấy, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn này không chỉ chứng minh cái tài, cái tâm của người làm gốm, mà còn chứa trong đó sự trân trọng, niềm yêu cũng như ý thức gìn giữ - lưu truyền những giá trị truyền thống văn hóa mà cha ông để lại.
Làng gốm Bát Tràng trong thời kỳ chuyển đổi số
Những năm gần đây làng gốm Bát Tràng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhận được nguồn đầu tư cùng kinh phí do nhân dân đóng góp, từ đó nhiều công trình hạ tầng được xây dựng, đường xá khang trang, thuận tiện giao thông vận chuyển, hệ thống tiêu thoát nước tốt, công trình điện đáp ứng sản xuất và sinh hoạt. Các hộ sản xuất lắp thêm lò ga, thay lò hộp nung than, cải tạo nhà xưởng sản xuất, trong làng có dịch vụ thu gom rác thải, các gia đình đều có công trình vệ sinh sạch, môi trường được cải thiện.
Làng gốm phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số. (Ảnh: Báo Công Thương)
Nắm bắt và ứng dụng công nghệ số vào việc sản xuất cũng như giới thiệu sản phẩm, Bát Tràng đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để những sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa tới những khách hàng ở khắp năm châu.
Trong lĩnh vực du lịch, Bát Tràng đang hướng tới việc cung cấp thông tin cho du khách thông qua QR code. Qua đó khách du lịch có thể dễ dàng sử dụng điện thoại của mình để thực hiện những thao tác cần thiết như trả tiền taxi, book nhà hàng, nhà nghỉ và tìm kiếm thông tin các gian hàng, sản phẩm OCOP, lựa chọn điểm tham quan tiếp theo thông qua mã QR được cung cấp. Đồng thời họ tích cực quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của thôn thông qua các website, diễn đàn, mạng xã hội, trang thông tin điện tử của xã, thôn về du lịch như Tinh hoa Làng nghề, Du lịch Gia Lâm, v.v..
Mới đây, Làng gốm Bát Tràng đã xây dựng mô hình AR/VR cho các địa điểm nổi bật của Làng gốm Bát Tràng, bao gồm các di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ, các điểm tham quan như Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Bảo tàng gốm Bát Tràng), con đường gốm, v.v..
Làng gốm Bát Tràng ứng dụng công nghệ VR/AR. (Ảnh: gombattrang.fairs.vn)
Người dân ứng dụng công nghệ vào bán hàng khiến việc mua hàng trở nên dễ dàng hơn so với cách bán hàng truyền thống. Hiện nay, huyện Gia Lâm đã xây dựng thương hiệu trên sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada,…) của các làng nghề trên địa bàn huyện để quảng bá sản phẩm và tiếp cận lượng lớn khách hàng.
Nhờ những đổi mới và ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả, làng gốm Bát Tràng đang dần khẳng định vị thế của mình trong kỷ nguyên số. Những nét đẹp truyền thống của gốm Bát Tràng không bị mai một đi mà ngược lại còn được lan tỏa rộng rãi hơn, vươn xa đến bạn bè quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của sản phẩm gốm Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Trong thời đại toàn cầu hóa và phát triển khoa học công nghệ, làng gốm Bát Tràng phải đương đầu với nhiều thách thức mới là điều tất yếu. Thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội đang rộng mở để gốm sứ Bát Tràng tiến xa hơn. Từ cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm gốm công nghiệp đến việc tiếp cận và thích ứng với công nghệ hiện đại, làng gốm Bát Tràng đã và đang nỗ lực duy trì, phát triển làng nghề truyền thống và chất liệu văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Câu chuyện về sự thích ứng và vươn lên của làng gốm Bát Tràng trong bối cảnh thời đại mới vẫn đang chờ được kể lại.
Cạnh tranh gay gắt với “công nghiệp, tự động”
Trong thời đại “công nghiệp hóa, tự động hóa” máy móc và dây chuyền sản xuất, làng gốm Bát Tràng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi phải cạnh tranh với các đối thủ trong, ngoài nước cùng lĩnh vực. Đây cũng là điều mà các nghệ nhân và các xưởng gốm trong làng hết sức quan ngại.
Thiếu nguồn vật liệu đầu vào để sản xuất gốm sứ
Làng gốm Bát Tràng đang đối mặt với khó khăn về thiếu nguồn vật liệu đầu vào để sản xuất gốm sứ. Một phần nguyên liệu đó là đất sét, và do mức độ ô nhiễm môi trường nhiều nơi mà việc thu thập nguyên liệu này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, giá thành nguyên liệu đang tăng lên, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất gốm sứ và doanh thu của các cơ sở sản xuất.
Về nguồn lao động, vì đây là nghề truyền thống, nhiều công nhân tại Bát Tràng đã già và khó tìm kiếm người trẻ hơn để đào tạo và tiếp nhận nghề. Việc đào tạo và tuyển dụng nhân lực mới cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm gần đây, nhiều thợ gốm lành nghề đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác, trong khi số lượng người trẻ muốn học và làm nghề gốm truyền thống ngày càng ít. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và sự phát triển lâu dài của làng nghề. Các chủ xưởng gốm phải liên tục đào tạo và tuyển dụng lao động mới, nhưng việc tìm được những người có tay nghề cao và hiểu biết về truyền thống gốm Bát Tràng thực sự không hề dễ dàng. Nếu tình trạng này không được giải quyết, e rằng làng gốm truyền thống này sẽ khó có thể duy trì được nét đẹp và chất lượng sản phẩm vốn đã gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước suốt nhiều thế kỷ qua.
Tình trạng ô nhiễm môi trường
Với hàng trăm xưởng gốm sứ hoạt động liên tục trong một khu vực nhỏ, khí thải độc hại và khói bụi từ quá trình sản xuất đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều người dân và công nhân lao động trong làng gốm Bát Tràng đã phải chịu đựng khó khăn trong việc hít thở không khí ô nhiễm hàng ngày.
Ngoài ra, nước thải từ các xưởng sản xuất cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của cư dân địa phương. Các hoạt động khai thác đất đá cũng đóng góp vào tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng gốm Bát Tràng.
Vì vậy, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng gốm Bát Tràng đang trở thành một ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Các biện pháp cần được thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và du khách, đồng thời duy trì và phát triển nghề gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Bát Tràng.
Việc áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh còn phần nào hạn chế
Việc nhận thức và triển khai tuyên truyền, tổ chức việc bán hàng qua hình thức online ở làng gốm Bát Tràng còn hạn chế. Việc bán hàng online phần nhiều mang tính tự phát, người bán hàng chưa có nhiều kỹ năng và cũng chưa có chiến lược kinh doanh qua mạng cụ thể.
Nhiều nghệ nhân gốm tại đây vẫn chủ yếu dựa vào các hình thức kinh doanh truyền thống như bán hàng tại cửa hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm. Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến hay các công cụ quản lý số hóa vẫn chưa phổ biến. Nhiều người trong nghề cũng chưa thể tiếp cận và thích ứng kịp với những công nghệ số mới nhất. Đây là một thách thức lớn đối với làng gốm Bát Tràng trong nỗ lực duy trì và phát triển sản phẩm gốm truyền thống trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phổ biến.
Trong khi đó, chúng ta đang sống ở thời đại mà nhà nhà người người mua hàng online, nếu không có phương hướng marketing và bán hàng trực tuyến kịp thời, làng gốm sẽ rất dễ bị tụt hậu và bỏ lại do nhu cầu đến tận nơi mua của mọi người bị giảm sút.
Việc tập trung được nguồn lực các nghệ nhân, thợ lành nghề để cùng hợp tác phát triển các sản phẩm gốm mới mang tính độc đáo, sáng tạo vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của làng gốm Bát Tràng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Thiếu liên kết giữa làng nghề với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà chuyên môn ngành thủ công - mỹ nghệ.
Định hướng phát triển làng nghề bền vững
Trước nhiều khó khăn thử thách của thời đại công nghệ mới phía trước, làng gốm Bát Tràng cần tìm cho mình những hướng đi mới để mạnh mẽ song hành cùng sự phát triển của đất nước nhưng không làm mất đi bản sắc, giá trị độc đáo vốn có.
Về cạnh tranh, gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng bao đời nay ở cái chất lượng rất riêng, hoa văn rất riêng mà không phải sản phẩm nhập khẩu hay đồ nội địa nào cũng có thể sánh được. Do đó, đồ gốm sứ Bát Tràng trên thị trường có giá trị kinh tế, văn hóa riêng, không cần dàn trải nhóm khách hàng mà chỉ cần xác định đúng, đánh đúng tệp khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh những hình thức truyền thông - marketing phù hợp với họ. Gốm sứ Bát Tràng không cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả hay mẫu mã mà chú trọng về giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật và “tính sưu tầm” có trong mỗi sản phẩm. Hơn nữa, thúc đẩy du lịch trải nghiệm tại làng cũng góp phần tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm gốm do du khách yêu mến, ủng hộ làm kỉ niệm.
Về môi trường, đây là yếu tố vô cùng quan trọng, không thể thiếu khi nhắc đến mục tiêu “phát triển bền vững”. Để bảo vệ và cải thiện môi trường làm việc của thợ gốm, làng nên ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nghiên cứu, tối ưu cách sử dụng những nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường hơn như gas hoặc điện để thay thế hoàn toàn nguồn nhiên liệu cho hoạt động nung nấu từ củi đốt và lò than. Đây là những nguồn nhiên liệu dễ kiếm, với chi phí không quá cao, tiết kiệm được sức lao động và quan trọng nhất là loại bỏ được nguồn khí thải khổng lồ từ than củi.
Về hoạt động quảng bá, làng gốm Bát Tràng hiện đang làm tương đối tốt công tác quảng bá du lịch làng nghề kết hợp trải nghiệm làm sản phẩm gốm sứ thú vị, phù hợp mọi lứa tuổi và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo du khách, nhất là các bạn trẻ có tình yêu với văn hóa, truyền thống của đất nước. Ban Quản lý làng nghề kết hợp với chính chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể văn hóa có tư duy đổi mới, sáng tạo và không ngại thử nghiệm những phương thức mới, phù hợp với giới trẻ nhằm thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, làng gốm Bát Tràng sẽ còn nhiều triển vọng phát triển hơn hiện tại.
Bắt đầu từ Bảo tàng gốm Bát Tràng - Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, hiện đang là một trong những điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch nơi đây. Qua tham quan và khảo sát, bảo tàng được tái xây dựng với lối kiến trúc độc đáo và bố cục trưng bày hiện đại, có tính thẩm mỹ cao tuy nhiên thông tin được cung cấp trên các poster, standee còn chưa nhiều, chưa sâu. Điều này dẫn tới việc du khách đến tham quan, check-in chỉ đơn giản là “cưỡi ngựa xem hoa”, xem cho biết chứ chưa có cơ hội được hiểu sâu, hiểu nhiều hơn về lịch sử gốm sứ hay những câu chuyện văn hóa ẩn sau các cổ vật, các mô hình, các tác phẩm,… được trưng bày.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân Điện tử)
Do đó, bảo tàng có thể tạo những sản phẩm bổ trợ như guidebook (sách hướng dẫn) hoặc brochure (tờ gấp) để khách tham quan dễ dàng mang theo trong quá trình tham quan và cũng có thể mang về làm kỷ niệm; training đội ngũ nhân viên - hướng dẫn viên kỹ hơn đồng thời có thể dùng áo dài, áo nhật bình, áo tứ thân, ngũ thân,... - biểu tượng trang phục truyền thống của Việt Nam làm đồng phục để kết hợp quảng bá nhiều giá trị văn hóa cùng lúc.
Hoạt động trải nghiệm trong làng hiện đang được đánh giá tương tương đối tốt. Đây là hoạt động trải nghiệm phù hợp với mọi độ tuổi, các du khách ở mọi lứa tuổi có thể thỏa sức sáng tạo, nặn gốm, trang trí gốm theo ý thích và được nhận sản phẩm mang về, thậm chí được giao nhận tại nhà sau khi quá trình nung phơi hoàn tất. Làng Bát Tràng cần mở rộng mô hình này và tạo ra nhiều hoạt động vui chơi hơn cho từng nhóm đối tượng: workshop, hội thi nặn gốm, lễ hội,... đồng thời tạo nhiều sản phẩm lưu niệm dễ thương, độc đáo để thu hút du khách.
Như đã đề cập trong các phần trên, để quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống, lôi cuốn nhóm khách hàng mục tiêu cũng như càng thêm nhiều du khách tới với làng nghề, Bát Tràng cần đẩy mạnh truyền thông - marketing về những “tài nguyên” mà mình đang có mạnh mẽ hơn nữa: không gian tham quan, trải nghiệm khó quên, sản phẩm gốm sứ giàu giá trị văn hóa, thẩm mỹ,...
Trong thời đại số và mạng xã hội bùng nổ, Bát Tràng cũng không thể đứng ngoài guồng quay đó mà cần tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để làm truyền thông toàn diện: Kết hợp với các agency chuyên nghiệp tạo các chiến dịch truyền thông nhằm gây ấn tượng với công chúng tìm hiểu về làng và nghề làm gốm truyền thống; Quảng bá offline qua áp phích, các buổi hội chợ, triển lãm lớn trong nước và quốc tế; Lập những kênh truyền thông chính thức của làng nghề với đội ngũ nhân sự trẻ trên các trang mạng xã hội dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của Ban Quản lý,...
Song song, Ban Quản lý cũng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất để tạo những trải nghiệm hài lòng cho các du khách mới có thể nhận được hiệu quả từ “hiệu ứng truyền miệng” - những video clip “review” từ các du khách, nhất là các bạn trẻ.
Cuối cùng, làng gốm Bát Tràng không chỉ phải vượt qua những khó khăn của thời đại mới mà cũng cần dựa vào thế hệ trẻ để giữ lửa làng nghề, bởi lẽ, phát triển bền vững là việc ở tương lai, mà tương lai lại nằm trong tay những người trẻ tuổi.
Người trẻ với tương lai làng nghề
Thật may mắn sao thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, nhất là lứa các bạn GenZ, là một thế hệ dành nhiều sự quan tâm đến văn hóa và truyền thống dân tộc. Có thể bắt gặp nhiều nhóm bạn trẻ tíu tít tham quan một vòng quanh Bảo tàng gốm Bát Tràng và các cửa hàng đồ gốm trong làng hoặc hồ hởi, thích thú ngồi nặn nặn, xoay xoay những cái bình nhỏ, cái chén, cái cốc nhỏ,... với gương mặt đầy tò mò và niềm vui khi được biết, được học, được hiểu thêm về gốm và tham gia vào công việc làm gốm tại ngôi làng cổ kính này.
Sự thay da đổi thịt, đổi mới tư duy làm du lịch của làng Bát Tràng và truyền thông bước đầu đã thu hút những người trẻ đầu tiên đến tham quan sau khoảng thời gian dài dịch bệnh.
Từ những video clip bỗng chốc viral trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok,... ghi lại trải nghiệm một ngày tham quan làng gốm Bát Tràng của một số bạn học sinh - sinh viên, tự bao giờ ngôi làng lại sáng bừng sức sống của những người trẻ tuổi ham học hỏi, tìm tòi. Nhóm trẻ ấy được bồi dưỡng tình yêu văn hóa từ trên ghế nhà trường, lại sẵn sàng trải nghiệm ngay những cái mới, cái lạ, cái mà mình chỉ nghe chứ chưa được biết và sẵn sàng lan tỏa câu chuyện, trải nghiệm của mình cho mọi người. Họ có sự kết nối và lan truyền cảm xúc cao, giúp cho những nội dung về làng gốm Bát Tràng vốn trước đây “nghe nhiều nhưng ít thấy” nổi tiếng trên mạng xã hội và thu hút cả những nhóm công chúng ở các độ tuổi khác.
Tiếp cận giới trẻ với những dịch vụ không tính là mới nhưng lại rất phù hợp thị hiếu là một hướng đi vô cùng đúng đắn của làng gốm Bát Tràng không chỉ ở khía cạnh kinh tế, du lịch và còn ở khía cạnh văn hóa, xã hội. Chẳng những có thể lan truyền sự hứng thú, tình yêu gốm sứ tới giới trẻ mà nó còn góp phần gìn giữ, phát huy nghề làm gốm hàng trăm năm của vùng Bát Tràng nói riêng và các làng nghề truyền thống khác nói chung; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của dân tộc.
Một nền văn hóa sống, một dân tộc sống là khi thế hệ sau còn biết, còn yêu, còn muốn trân trọng và tiếp nối những giá trị tốt đẹp, đặc trưng của thế hệ đi trước. Được sinh ra cùng với tình yêu truyền thống, những tinh hóa văn hóa nghệ thuật dân tộc nồng nàn và mang trong mình sức sáng tạo dồi dào, mạnh mẽ để đem các tác phẩm mang cái tên Việt Nam vươn mình ra thế giới, giới trẻ là tương lai của mọi làng nghề. Không chỉ riêng làng gốm Bát Tràng mà các làng nghề đều phải chú trọng bồi dưỡng, lan tỏa tình yêu nghề tới người trẻ trong và ngoài làng. Tre già măng mọc, chắc chắn rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ còn tạo được nhiều thành tựu trong phát triển làng nghề và gìn giữ những cái nghề ấy không bị thất truyền.
Trong thời kỳ hội nhập, đối mặt với nhiều thách thức là điều không thể tránh khỏi nhưng đồng thời cũng mở ra cho làng gốm Bát Tràng nhiều cơ hội mới. Là một làng nghề truyền thống đặt trong bối cảnh hiện đại, mang trong mình trách nhiệm giữ lửa làng nghề lớn lao nhưng cũng phải phát triển khi thời đại đổi thay, làng gốm Bát Tràng đã và đang từng chút thích nghi, vươn lên không quản ngại. Thật hiếm thấy một làng nghề có khả năng trung hòa tốt hai giá trị song hành truyền thống và hiện đại đến như thế. Trên tinh thần đó, hoàn toàn có niềm tin rằng làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề truyền thống khác trên đất nước ta sẽ tồn tại và phát triển ngày một mạnh mẽ trong tương lai.
Thực hiện: Ngô Hà Phương - Vũ Thị Thuỳ Trang - Trần Ngọc Mai