Điều gì trong cuộc sống đã truyền cảm hứng cho chị để bắt đầu và gắn bó với công việc/hoạt động này?
Năm 2019, trong một lần đi du lịch một mình tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Ánh dậy sớm chạy bộ ra biển và đi kéo lưới cùng ngư dân. Khi thấy các bạn nhỏ đang xây lâu đài cát, vì tò mò nên mình chạy lại gần và muốn chơi cùng các bạn ấy. Nhưng khi tới nơi, mình rất bất ngờ vì các em không xây lâu đài bằng cát, mà lại xây lâu đài bằng rác, bởi rác rất nhiều ngập khắp bờ biển. Lúc ấy, mình thấy chạnh lòng và tự hỏi tại sao thế hệ trẻ ngày nay lại không được tận hưởng những bãi biển xanh sạch, và cho đến khi nào thì tình trạng này chấm dứt.
"Nếu bây giờ chúng ta không làm gì thì đợi đến bao giờ?" Câu hỏi đó đã thôi thúc Ánh hành động để bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc nhặt rác và dọn sạch những nơi mà mình đi qua. Mình bỏ thói quen dùng đồ nhựa, đi đâu cũng mang theo bình đựng nước, hộp đựng, túi xách… Sau đó, mình tham gia vào cộng đồng những người nhặt rác đa quốc gia Trashpackers và làm rất nhiều hoạt động trong khoảng hai năm. Đến tháng 8/2019, mình thành lập “Xanh Việt Nam” - một tổ chức riêng dành cho những người yêu môi trường ở Việt Nam.
Nếu được quay ngược thời gian trở về những ngày đầu tiên, cảm xúc khi chị lần đầu bước chân vào công việc này là gì?
Nếu được trở về những ngày đầu tiên khi quyết định từ bỏ công việc cho mình thu nhập ổn định để dành thời gian đi nhặt rác, mình thấy may mắn và cảm ơn bản thân vì đã quyết tâm đi theo con đường đúng với đam mê cống hiến vì cộng đồng. Thời gian đó, vì thời gian làm công việc hành chính và niềm đam mê nhặt rác của Ánh không khớp nhau, nên mình bắt buộc phải lựa chọn giữa công việc văn phòng và sứ mệnh làm sạch môi trường mà mình khao khát được thực hiện. Cuối cùng, bỏ qua mọi định kiến mà mọi người nói về Ánh như “kẻ gàn dở” hay “lo chuyện bao đồng”,... mình mang theo khao khát làm sạch Việt Nam, cống hiến cho việc bảo vệ môi trường để tham gia nhiều hơn các hoạt động về môi trường, thành lập nên cộng đồng Xanh Việt Nam.
Trong quá trình làm việc, chị đã phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, và điều gì đã giúp chị kiên trì vượt qua những thử thách đó?
Thời gian đầu hoạt động, Ánh cùng cộng đồng Xanh Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi phải làm việc và kết nối đội ngũ các leader, các tình nguyện viên trên 63 tỉnh thành qua hình thức online. Bên cạnh đó là những khó khăn về kinh phí vì khi đi nhặt rác cần có bao tay, đồ bảo hộ cho tình nguyện viên, cần bao đựng rác, nước uống…
Ngoài ra, các bạn tình nguyện viên của Xanh Việt Nam cũng như bản thân mình từng nhận được không ít lời nói gièm pha từ dư luận, rằng đây là công việc bao đồng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, những việc làm của các tình nguyện viên đã phần nào đem lại những hiệu quả thiết thực, từ việc biến đổi hàng trăm bãi rác tự phát, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho môi trường đến việc trồng thêm hàng nghìn cây xanh, thay đổi thói quen hàng ngày của mọi người.
Nếu ai cũng ngại, cũng sợ, cũng né trách công việc nặng nhọc này thì đến cuối cùng ai làm? Dù vất vả nhưng đi nhặt rác thật sự mang lại nhiều cảm xúc và hiệu quả. Chúng mình muốn chứng minh rằng những người đi nhặt rác không phải ai cũng vô công, rỗi nghề. Thành viên của Xanh Việt Nam là những người có học thức và mang một trái tim vì cộng đồng và hành động vì môi trường.
Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã phát triển như thế nào và đạt được những thành tựu gì?
Khi mới thành lập, nhóm chỉ gồm 3 thành viên nòng cốt nhưng đến nay, đã có 15 người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều phối, với 63 trưởng nhóm, 50.000 tình nguyện viên hoạt động tại hơn 250 điểm trên 63 tỉnh thành, các đảo, quần đảo và gần 15 điểm cầu quốc tế.
Mỗi năm, chúng mình tổ chức 1 chiến dịch lớn mang tên Clean Up Việt Nam, diễn ra vào ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày cuối năm. Năm 2020, chiến dịch Clean Up Việt Nam lần đầu được tổ chức, qua 2 đợt, đã thu hút gần 5.000 tình nguyện viên, thu gom hơn 1.000 bao rác. Đến năm 2023, số người tham gia tăng lên 40.000, và lượng rác thu gom đạt hàng chục nghìn bao. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của mọi người đang thay đổi tích cực từng ngày.
Ngoài ra, hàng tuần, tháng, quý, các đầu cầu sẽ chủ động triển khai nhiều hoạt động như: đổi rác lấy quà, thi vẽ tranh bảo vệ môi trường, tái chế nhựa, hay sản xuất gạch sinh thái từ rác thải để xây trường học cho trẻ em nghèo,... Trong đó, chúng mình đã thực hiện thành công dự án xây trường học tại Trà Vinh từ 8.000 viên gạch được làm từ túi nilon nén chặt.
Không chỉ dừng lại ở việc nhặt rác, chúng mình còn tập trung vào việc khơi dậy tình yêu môi trường và trách nhiệm với thiên nhiên trong thế hệ trẻ. Cụ thể, cộng đồng Xanh đã chia sẻ kiến thức phân loại rác; tổ chức các cuộc thi hùng biện, làm tiểu phẩm về môi trường,... cho hơn 30.000 học sinh, sinh viên của 30 trường học trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…
Công việc ý nghĩa này đã mang lại những giá trị gì cho bản thân chị và cho cộng đồng?
Khi thực hiện công việc này, mình nhận được rất nhiều tình cảm từ những người yêu môi trường khắp nơi. Ở bất kỳ đâu, người dân địa phương đều nhiệt tình hỗ trợ, mang đồ ăn, nước uống, và đồng hành cùng mình. Thậm chí, sau khi nhóm đi, các địa phương còn tự tổ chức các buổi dọn rác để duy trì môi trường đã được làm sạch. Những điều ấy khiến mình càng thêm tin tưởng vào hành trình đang đi.
Chiến dịch còn chạm đến cả những vùng sâu, vùng xa mà mình không ngờ tới. Hình ảnh những em nhỏ mặc không đủ ấm, những gia đình khó khăn vẫn chung tay nhặt rác, trồng cây với dụng cụ thô sơ, hay sáng tạo băng rôn, khẩu hiệu từ thùng mì tôm, bao tải rách... khiến mình rất xúc động và tự hào.
Sau mỗi chuyến đi, mình cũng bắt đầu thay đổi bản thân từ những điều nhỏ như: mang bình nước cá nhân thay ly nhựa; từ chối túi ni lông hay sản phẩm nhựa để góp phần hạn chế rác thải...
Điều ý nghĩa nhất với mình là được nhìn thấy Việt Nam ngày càng sạch hơn. Mình luôn tin rằng, nếu mọi người đồng lòng, sẽ đến một ngày đất nước này không còn rác thải nữa.
Trong suốt 5 năm dẫn dắt cộng đồng Xanh, kỷ niệm nào khiến chị ấn tượng nhất?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt 5 năm đi cùng cộng đồng Xanh chính là chiến dịch Clean Up Việt Nam diễn ra vào cuối năm 2020. Khi ấy, miền Bắc và miền Trung đang trải qua đợt mưa gió, rét đậm, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C ở nhiều nơi. Thời tiết khắc nghiệt khiến ban tổ chức chiến dịch rất lo lắng. Thế nhưng, ngày 30/12, bất chấp giá rét, các đội tình nguyện viên trên khắp các điểm cầu vẫn nhiệt tình tham gia. Hình ảnh những bạn trẻ khoác áo ấm, đội mũ len, kiên trì nhặt rác dưới mưa lạnh đã khiến mình xúc động và tự hào lắm. Dù chưa từng gặp trực tiếp nhiều tình nguyện viên, nhưng qua những hình ảnh và video gửi về, mình cảm nhận được sự gắn kết mạnh mẽ và ý chí chung tay vì một Việt Nam sạch đẹp.
Chị có thể chia sẻ một câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa mà chị đã trải qua và cảm thấy trân trọng trong công việc này không?
Thật sự mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng và cái nào cũng đều đặc biệt cả nên mình cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Vui nhất có lẽ là hồi đầu tháng ba, trong chuyến đi làm sạch Phước Hải, Vũng Tàu. Mặc dù trời rất nắng và nóng nhưng ai cũng hạnh phúc cả. Bọn mình không chỉ chăm chăm nhặt rác mà còn vui chơi với nhau, gặp gỡ và tuyên truyền với những người dân địa phương. Bên cạnh đó, bọn mình còn rất tự hào vì làm sạch được địa điểm du lịch như Vũng Tàu. Chỉ cần nghĩ đến việc du khách họ cảm nhận được sự trong lành nơi đây là đã hãnh diện lắm rồi.
Xa hơn, có một lần mình đến trường THPT Trần Văn Toản ở Đăk Lăk, đây cũng là lần đầu tiên mình đưa việc bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa vào học đường. Mình tổ chức nhặt rác và làm mô hình con cá bống ăn rác thải nhựa,… Càng làm, mình càng thấy có rất nhiều người đồng hành và cùng chung lý tưởng với mình. Thật sự chuyến đi lần ấy đã khiến mình thêm vững tin hơn vào công việc mình đang làm.
Chị mong muốn công việc/hoạt động mà mình đang theo đuổi sẽ phát triển như thế nào trong tương lai để tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng?
Mình dự định sẽ có nhiều dự án về môi trường hơn nữa trong năm nay. Mong muốn lớn nhất của mình chính là cùng những người đồng hành đi dọn rác khắp 63 tỉnh thành của đất nước. Không chỉ dừng lại ở việc nhặt rác, mình còn muốn đưa việc bảo vệ môi trường vào trường học, vì học sinh chính là những thế hệ tiếp nối quý giá nhất. Ngoài ra, mình cũng dự định thực hiện dự án trồng cây phủ xanh đồi trọc, tổ chức những chuyến thiện nguyện cho trẻ em nghèo, mồ côi và người già neo đơn,…
Nếu có thể gửi gắm một thông điệp đến những người trẻ muốn theo đuổi những điều mà chị đang làm, chị sẽ nói gì để truyền động lực cho họ?
Nếu có thể gửi gắm một thông điệp đến các bạn trẻ, tôi muốn nói rằng: “Đừng ngại khó, đừng sợ vất vả. Nếu ai cũng né tránh những việc nặng nhọc như nhặt rác thì cuối cùng sẽ chẳng ai làm cả. Công việc này tuy mệt, nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Hãy tự tin rằng bạn đang hành động vì cộng đồng, vì môi trường. Những người đi nhặt rác không phải ai cũng vô công rỗi nghề – chúng tôi là những người có học thức, mang trong mình một trái tim nhiệt huyết và quyết tâm tạo ra sự khác biệt".