Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024
Công tác bảo tồn tê tê tại Việt Nam: Bức tranh nhiều gam màu sáng -0

Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) là nơi đầu tiên sử dụng thành công thiết bị bay không người lái với hệ thống điều khiển vô tuyến để theo dõi, nghiên cứu tê tê sau khi tái thả. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa SVW với Công ty Wildlife Drones từ Australia và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Trước kia, SVW phải theo dõi tê tê sau khi tái thả trong một khu vực rừng rộng lớn nên chỉ có thể theo dõi được một số lượng cá thể rất hạn chế. Từ khi áp dụng hệ thống theo dõi bằng sóng vô tuyến qua thiết bị bay không người lái, công nghệ này đã giúp tiết kiệm thời gian và giảm công sức trong việc theo dõi hoạt động, hướng di chuyển của tê tê đồng thời tăng số lượng cá thể được theo dõi.

Về công việc chăm sóc tê tê sau khi được cứu hộ, một nhân viên của SVW chia sẻ: hoạt động này diễn ra vô cùng cẩn thận và nghiêm ngặt. Những cá thể khỏe mạnh sau khi được điều trị, theo dõi 30 ngày sẽ được tiến hành kiểm tra dịch bệnh, phòng ngừa những mầm bệnh tiềm tàng có thể xảy ra, sau đó sẽ được tái thả ra ngoài môi trường tự nhiên. Môi trường tái thả là những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để tránh thợ săn có thể vào khu vực đó săn lại tê tê. Thời gian, địa điểm, số lượng tê tê được tái thả cũng được giữ kín, rất ít người được biết. Tê tê trước khi được tái thả sẽ được nhân viên gắn thiết bị microchip định danh, tagname trên vảy, thiết bị định vị để các nhà nghiên cứu theo dõi cuộc sống của tê tê sau khi tái thả.

Công tác bảo tồn tê tê tại Việt Nam: Bức tranh nhiều gam màu sáng -0

Chúng tôi gặp chị Thủy – quản lý thú y của SVW trong một buổi sáng đặc biệt tại VQG Pù Mát. Ngày hôm ấy, chị có một ca phẫu thuật cho một cá thể tê tê Java bị thương ở một chi sau. Vết thương khá nghiêm trọng, và có dấu hiệu hoại tử nên chị buộc phải tiến hành cắt bỏ hoàn toàn để vùng ảnh hưởng không bị lan rộng. Buổi phẫu thuật bắt đầu vào khoảng 8h sáng, kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ mà không một phút ngơi nghỉ. Bên ngoài kia ánh nắng chan hòa, ríu rít tiếng chim, bên trong phòng phẫu thuật là một bầu không khí tĩnh lặng tuyệt đối. Chúng tôi cũng chỉ có thể im lặng và đứng gần đó quan sát cách chị và người đồng nghiệp làm việc, họ chăm chú, nhập tâm và cẩn trọng.

Thật may mắn là trong toàn bộ quá trình phẫu thuật, không có bất kỳ sự cố nào xảy ra và tất cả đã kết thúc êm đẹp. Chúng tôi thấy trên gương mặt chị dẫu có phần hơi mệt và căng thẳng, nhưng chị vẫn nở một nụ cười rạng rỡ và đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Chú tê tê sau đó được đặt vào trong một chiếc hộp gỗ và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc riêng biệt. Sức khỏe của chú hoàn toàn bình thường và ổn định, chú thoải mái cuộn tròn mình lại như chưa hề có những đau đớn trước kia.

Ảnh - Trình bày: Phương Anh

Rất ít trường hợp tê tê được đưa về trung tâm cứu hộ trong trạng thái khỏe mạnh. Có thể do “chiêu trò, mánh khóe” của những tên buôn lậu như việc nhồi bột ngô hoặc nước vào dạ dày tê tê để làm tăng cân trước khi bán chúng cho đối tượng khác. Sức khỏe của tê tê cũng có thể bị ảnh hưởng trong quá trình tiến hành cứu hộ. Theo chia sẻ của chị Thủy, những thủ tục pháp lý mất khá nhiều thời gian, việc chờ đợi trung tâm cứu hộ tới để tiếp nhận cũng khiến động vật yếu hơn và khả năng phục hồi thấp hơn. Ngoài ra, Tê tê còn là một loài động vật đặc biệt nhạy cảm. Chúng nhạy cảm với môi trường, nhiệt độ, tiếng ồn...và dễ bị căng thẳng, nên dễ dẫn đến những bệnh tự nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong lịch sử cứu hộ tê tê, SVW cũng từng ghi nhận trường hợp: gần 100 con tê tê bị chết ngạt, do thùng xe đóng kín giữa trời nóng mà lực lượng giải quyết vụ buôn lậu thì quá chậm trễ, mặc dù khi kiểm tra trước đó thì chúng vẫn còn sống cả.

Vất vả là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi “Có khi nào chị muốn dừng lại hay không?”, chị Thủy trả lời một cách rất nhẹ nhàng: “Nếu mình ngại khó khăn, mình bỏ cuộc thì tê tê sẽ chẳng còn được giúp đỡ nữa, sẽ không còn cơ hội được trở về với tự nhiên và như thế thì thật không công bằng”.

Công tác bảo tồn tê tê tại Việt Nam: Bức tranh nhiều gam màu sáng -0

Trên hành trình đầy chông gai này, sát cánh cùng chị Thủy còn rất nhiều những con người khác, không chỉ là cán bộ mà còn là người dân địa phương tình nguyện vào làm việc trong trung tâm cứu hộ. Họ đã từng sống nhờ rừng, dựa vào rừng, nay họ đang nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học, và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của bản thân, của thế hệ sau này.

Nhưng nỗ lực của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế, trung tâm cứu hộ không thôi vẫn là chưa đủ. Câu chuyện bảo tồn loài là câu chuyện chung của toàn xã hội. Nó đã có những mảng sáng, và sẽ có thêm nhiều mảng sáng hơn nữa nếu như có sự chung tay của cả cộng đồng. Việt Nam đã để mất quá nhiều loài động vật quý hiếm, nhưng chúng ta có thể cứu được loài tê tê nếu cùng nhau hành động từ hôm nay. Không có người mua thì không có kẻ bán.