Danh mục Thứ Bảy, 04/05/2024
  -0  -1
Một sáng đầu hè, trong không khí những ngày giải phóng đang lan tỏa khắp đường quê, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân) - người chỉ huy đơn vị bắn rơi tại chỗ 3 “pháo đài bay” B52 của giặc Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
  -0

Cuộc chiến đã khép lại hơn nửa thế kỉ nhưng mỗi khi nhắc tới là người đại tá lại bồi hồi như khoảnh khắc mà ông và đồng đội vừa hạ gục siêu pháo đài bay ngày ấy: “Tôi đã tham gia cả 2 chiến dịch, Điện Biên Phủ mặt đất năm 1954 và Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Đã từng ở mọi vị trí, từ người chiến sĩ đến tiểu đoàn trưởng chỉ huy 1 tiểu đoàn để đánh B52”. 

Nói rồi, ông giơ tay chỉ bức ảnh Chủ tịch và Đại tướng đi thăm trận địa ngay sau khi khói bom B52 vừa dứt, mắt ông ánh lên sự tinh anh, sôi nổi: “Một điều mà tôi lo nhất là khi chuẩn bị đánh B52, làm thế nào thực hiện được đúng lời Bác. Và đúng là chúng tôi đã thực hiện được đầy đủ lời của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn””. 

  -0

Sau khi chiến dịch kết thúc, Đại tá Đinh Thế Văn được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến, năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

  -0

Vị đại tá già luôn miệng nhắc chúng tôi về lòng tự hào dân tộc: “Kỷ nguyên thứ 20 trọng đại quá, cả thế giới không nước nào bắn được B52, nhưng mà riêng Việt Nam lại đưa B52 thành đống sắt vụn ở Hà Nội, quý quá. Thế nên tôi mới nghĩ ngay là phải truyền lửa cho các thế hệ mai sau”.  

  -0

Đại tá Đinh Thế Văn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm rối nước, cụ thân sinh lại là người làm rối rất giỏi, là trùm rối lúc đó, có thể đục, chạm ngay được các quân rối khi vừa có ý tưởng. Từ dân quân du kích, máy bay B52, tất cả ông đều làm được. Ông đã theo chân cha hàng ngày đến xem các nghệ nhân biểu diễn rối nước ngay khi mới lên 5 tuổi. 

Sau khi trở về làng, người lính hữu công nhận thấy rối nước quê hương đang gặp rất nhiều khó khăn, sau chiến tranh không có nơi biểu diễn, thiếu nghệ nhân, phường rối tan tác hết, dân cũng chỉ sống dựa vào nông nghiệp. Nên ông Văn lại đau đáu tìm đường phát triển nghệ thuật đã tồn tại suốt hằng 300 - 400 năm nay. Đầu tiên, ông nghĩ rằng phải khôi phục khu di tích, sau đó là thủy đình. Rồi ông nghĩ, nếu cứ diễn mãi những tích trò cũ thì cũng nhàm chán, cần phải có những tiết mục mới cho hấp dẫn, đặc sắc. Thế là ông đã lần nữa “ đánh B52” dưới phường rối quê hương. 

Nhớ lại ngày “khai sinh” ra vở rối để đời, ông kể khi đó có đạo diễn Mạnh Hùng - người làm rối cả hằng 20 năm đang ở nhà ông luyện múa rối. Thế nên, ông đã nhờ thêm ông Hùng đạo diễn cùng. Sau khi hoàn thành, cuộc chiến đấu B52 được thể hiện một cách rất oanh liệt, có pháo nổ, tên lửa bắn, máy bay rơi, rồi dân quân du kích ra bắt giặc lái, rất hào hùng khí thế chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Sau khi ra kịch bản và biểu diễn, vở rối đã được nhân dân rất yêu chuộng: “Khi ấy, dân làng tận mắt thưởng thức ai nấy đều phấn khởi và tự hào vì trên mảnh đất quê hương họ lần đầu được chứng kiến một tích trò mới và ý nghĩa như thế. Khoảnh khắc khi biểu diễn xong, nghệ nhân ra chào khán giả, lần đầu tôi nghe tiếng pháo tay vang to và dài như thế”. Và rồi cứ mỗi lần biểu diễn, người lính ấy lại vui sướng như vừa bắn hạ tàu bay địch năm nào.

Năm nay, người lính ấy đã bước qua tuổi 87, thế nhưng chưa một lần ông thôi suy nghĩ về việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật quê hương. Ông không chỉ là nghệ nhân, vừa đạo diễn, vừa biểu diễn mà còn là truyền nhân, dạy nghề cho hàng trăm người ở phường hiện nay. Ông chia sẻ hiện đang có gần 30 người chuyên biểu diễn chính thức, tính tất cả người đang theo học, có khi lên tới hơn trăm người. Đặc biệt, lớp trẻ quê nhà đang ngày càng yêu thích bộ môn nghệ thuật độc đáo này. 

  -0

Khi được hỏi liệu có bao giờ cảm thấy nản và muốn chùn bước, ông Văn giọng cương quyết: “Không thể thôi nghề được, bởi vì truyền thống rối nước của Đào Thục giữ được hàng 3, 4 trăm năm. Không những thế, bỏ nghề rối nước là bỏ nghề của các cụ, là có tội với các cụ, tội với dân Đào Thục đấy. Những người hâm mộ, những người biết truyền thống làng thì vẫn say sưa, làm thế nào để ngày càng phát triển. Cho nên cũng ít người lơ là trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống lắm”. 

Điều khiến ông băn khoăn duy nhất có lẽ là làm sao để những người nghệ nhân cảm thấy đủ điều kiện để yêu nghề, để có sức theo đuổi nghề truyền thống: “Vì nếu so sánh, một ngày công của các cháu ấy đi làm 400, 500 nghìn, nhưng diễn một lượt rối thì chỉ có 5 chục thôi, mà các cháu phải trực ở nhà, khi nào có khách đến, khi nào cần phải lên biểu diễn được luôn thì rất khó”. 

Để di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - múa rối nước Đào Thục trường tồn cùng thời gian, theo nghệ nhân Đinh Thế Văn, địa phương cũng đang có hướng đi mới để thu hút khách du lịch như đầu tư thêm cơ sở hạ tầng phục vụ: thủy đình, sân khấu, quân rối,... và không ngừng sáng tạo trong biểu diễn cũng như truyền nghề. Khi ấy, có lẽ người lính già mới có thể an lòng để giữ trọn hồn quê sau những ngày vinh quang. 

Lưu Hoài - MĐT K41