Danh mục Thứ Tư, 24/04/2024
Di tích Dinh Độc lập - nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử
Dinh Độc Lập - tọa lạc tại 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm lịch sử gắn liền với những cột mốc son chói lọi trong công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc của Việt Nam. Dinh Độc Lập (còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất) là nơi chứng kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Từ đây lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới và nơi đây trở thành di tích lịch sử mang tính biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Sau biến cố lịch sử vào tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Dinh Độc Lập trở thành di tích lịch sử, văn hóa, một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến thành phố Hồ Chí Minh.
Đôi nét về Dinh Độc Lập. 

Một nét kiến trúc độc đáo giữa lòng Sài Gòn 
          Không chỉ được biết đến là một di tích lịch sử đặc sắc của Việt Nam, Dinh Độc Lập còn nhận được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước kiến trúc độc đáo được thực hiện bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Đây là một công trình có ý nghĩa văn hóa cao, là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Ðông 
Mặt tiền của Dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành tại các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng của Dinh được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu.
          Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi hệ thống rèm hoa đá, mang hình dáng những đốt trúc thanh tao, bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách kiểu cửa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của dinh, mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời từ bên ngoài. 
Bên trong dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngang bằng, sổ thẳng; các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu “Chính đại quang minh” làm ý tưởng cho các đường nét kiến trúc.
Sân trước của dinh là một thảm cỏ hình oval. Màu xanh của thảm cỏ tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái cho khách ngay khi bước qua cổng. 
           Hơn 100 căn phòng của dinh, tùy theo mục đích sử dụng đều được thiết kế theo phong cách riêng, bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp Hội đồng Nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống,... và các hồ sen bán nguyệt, bao lơn, hành lang... Tất cả đều được thiết kế hết sức hài hòa, hợp lý.

Dinh Độc Lập và những câu chuyện ít được kể đến
        Là bảo chứng lịch sử, là di tích của những cuộc chiến khốc liệt, những cuộc hội đàm căng thẳng, Dinh Độc Lập không chỉ mang nét đẹp văn hóa được bảo tồn qua thời gian mà còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử ít người biết đến. 
        Một trong số ấy phải kể đến Hầm vũ khí bí mật sát vách Dinh Độc Lập. Được biết căn hầm bí mật này nằm tại nhà dân ở số 187/70 đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhằm đáp ứng sự lớn mạnh của Biệt Động Sài Gòn, sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, ông Trần Văn Lai, một chiến sĩ biệt động đã mua lại căn nhà ngay sát vách Dinh Độc Lập rồi lấy cớ sửa nhà, bí mật đào hầm chuẩn bị cho việc vận chuyển cất giấu vũ khí. “Hồi đó cha tôi được biết đến là một nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập… Nhờ đó mà việc mua lại căn nhà rồi tiến hành sửa chữa, thực chất là đào hầm bí mật cất vũ khí mà không bị địch dòm ngó” - Ông Trần Kiến Xương, con trai ông Trần Văn Lai cho biết. Giữa sự bố phòng, kiểm soát gắt gao của kẻ địch, việc đào hầm và tập kết vũ khí vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Nhưng tinh thần dũng cảm cùng sự mưu trí của các chiến sĩ, vũ khí đã được vận chuyển từ căn cứ về được kỳ công ngụy trang đa dạng như giấu vào các tấm ván rỗng, chèn bằng gạo, bằng các sọt hoa quả hay chậu cây cảnh. Lượng vũ khí được giấu trong căn hầm này đã góp phần đem đến thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, đánh vào các cơ quan đầu não chính quyền Ngụy Sài Gòn, đặc biệt là Dinh Độc Lập năm 1969. Đến nay, căn hầm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
         Một câu chuyện khác cũng liên quan đến Dinh Độc Lập là chuyện ông Thiệu trấn yểm Dinh. Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa thời kỳ (1967 - 1975) được biết đến là một người cuồng tín. Sau khi giành được quyền lực chính trị, ông đã ngay lập tức quan tâm đến các vấn đề phong thủy của dinh thự, mời thầy về tìm chỗ “cát địa” để nhằm bảo toàn “ngôi vị”. Có người mách bảo rằng muốn yên vị ở “phủ đầu rồng” thì phải xây cái hồ chỗ công trường chiến sĩ vì đó là đuôi con rồng, lại phải trấn yểm để nó khỏi quậy lung tung. Hoặc một người khác lại phán, nhìn bình diện từ trên cao xuống mặt bằng Dinh có hình chữ Cát nhưng trước mặt lại có con đường từ thảo cầm viên đâm thẳng vào Dinh như một mũi tên là điều đại kỵ trong phong thủy. Nghe vậy, ông Thiệu đã ngay lập tức cho yểm bùa ở trước cổng Dinh Độc Lập, đồng thời bố trí những rào sắt chắn đặt thường xuyên trước Dinh. Tuy nhiên, cho dù có làm mọi thay đổi về mặt tâm linh, phong thủy của Dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu lại không được lòng dân, không có tầm nhìn, chiến lược để bảo vệ nhân dân khỏi cuộc xâm lược. Chính những điều đó là nguyên nhân lớn khiến không cho ông không giữ được “ngôi vị” của mình.

Giữ gìn và lưu truyền nét đẹp của Dinh độc lập đến các thế hệ sau

Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập
Cỏ đã lên xanh giữa bánh xích ngày nào
Chiếc xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập
Thành phố mang tên Người rực ánh cờ sao

Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập
Không còn màu đất đỏ chiến trường xưa
Tấm áo thép vẫn nguyên màu chất thép
Thành chứng nhân lịch sử bây giờ
(Chiếc xe tăng trong Dinh Độc Lập - Nguyễn Ngọc Phú)

Trải qua thăng trầm lịch sử, dinh Độc Lập không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử; là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước mà còn là một bảo tàng kiến trúc tiêu biểu; niềm tự hào về kiến trúc – xây dựng của người Việt Nam.
47 năm đã qua đi, nhưng âm vang của lịch sử, giá trị tinh thần của chiến thắng sẽ còn mãi. Cùng với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa khác, ý nghĩa và bài học của ngày chiến thắng 30/4 sẽ kết tinh nên di sản văn hóa, góp phần vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Làm cho những giá trị di sản ấy tỏa sáng, trở thành nguồn lực tinh thần to lớn để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của tất cả chúng ta! Tiền đồ quốc gia dân tộc có xán lạn hay không tùy thuộc vào quốc bảo di sản văn hóa, vì “hiện tại đầy quá khứ và chất chứa tương lai”.

Dinh Độc Lập - Chứng nhân lịch sử -0