“Nâng cao chất lượng đào tạo phóng viên truyền hình ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Trần Tiến
“Trong bối cảnh hội nhập xóa nhòa biên giới địa lý, chất lượng đào tạo hiện tại có đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội?”, “Đào tạo phóng viên truyền hình hiện nay cần những thay đổi gì để phù hợp với sự phát triển của ngành truyền hình?” là những vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Qua đó, tác giả Trần Tiến đã thực hiện nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng đào tạo phóng viên truyền hình ở Việt Nam hiện nay” với mục đích chính là: khảo cứu một cách đầy đủ, toàn diện về đào tạo chuyên ngành phóng viên truyền hình và các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.
Luận án được thực hiện trên cơ sở xây dựng khung lý thuyết về chất lượng đào tạo phóng viên truyền hình gồm có cơ sở lý luận tiếp đến là khảo sát thực trạng và cuối cùng nêu lên những phương án cải thiện công tác đào tạo phóng viên truyền hình ở Việt Nam. Tác giả thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu đồng thời tham khảo một số cơ sở đào tạo báo chí truyền hình nước ngoài và tìm hiểu từ thực tiễn những yêu cầu đối với phóng viên truyền hình sau đó rút ra được kết luận tổng quan từ ưu nhược điểm của những cơ sở đào tạo đó.
Luận án đưa ra những đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phóng viên truyền hình dựa trên các yếu tố đảm bảo chất lượng trong quy trình đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở đào tạo nghiệp vụ, được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn.
“Đổi mới phương thức đào tạo biên tập viên báo chí ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Vũ Thùy Dương
Luận án tiến sĩ đề cập tới công tác đào tạo, bồi dưỡng Biên tập viên báo chí trong những năm qua tại các cơ sở đào tạo đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phương thức dạy và học vẫn còn hạn chế, điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo tồn tại nhiều bất cập. Hiểu được tính cấp thiết của việc đổi mới phương thức đào tạo nhân lực làm báo nói chung, biên tập viên báo chí nói riêng, tác giả thực hiện nghiên cứu luận án “Đổi mới phương thức đào tạo biên tập viên báo chí ở Việt Nam hiện nay” trên cơ sở xây dựng khung lý thuyết về phương thức đào tạo biên tập viên Báo chí Việt Nam.
Tác giả sử dụng nhiều phương pháp khảo sát, đồng thời tiếp thu và phát triển từ những nghiên cứu trước đó, đi sâu phân tích nhiều yếu tố quan trọng như: phẩm chất, kỹ năng nhà báo trong bối cảnh hiện nay, tác động của những nhân tố xung quanh đến phương thức đào tạo biên tập viên báo chí,… cuối cùng đề xuất giải pháp đổi mới phương thức đào tạo biên tập viên báo chí ở Việt Nam.
Hai luận án tiến sĩ trên đem lại những góc nhìn mở về vấn đề đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực báo chí - truyền thông dựa trên phạm vi nghiên cứu rộng. Từ đó, các công trình góp phần định hướng, đề xuất những phương án đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.
Hai luận án đều đạt được những thành công nhất định về mặt ý nghĩa thực tiễn, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành báo chí học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí.
Tìm đọc thêm nhiều luận án tiến sĩ tại Trung tâm thư viện của Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Phản hồi