Nguyễn Quỳnh Anh - cô sinh viên “sống vì tình nguyện”
Nguyễn Quỳnh Anh hiện đang là sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39 A2 (Viện Báo chí). Cô bạn dễ gây ấn tượng với người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi sự hoạt bát, hóm hỉnh và nụ cười luôn hiện hữu trên môi. Không chỉ là Phó Bí thư Chi đoàn tại lớp, Quỳnh Anh còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện của Đoàn Học viện và tại địa phương nơi cô đang sinh sống. Hiện cô bạn đang giữ chức Bí thư Chi đoàn ĐBDC số 9 phường Phúc Xá (TP Hà Nội) và là Ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường Phúc Xá (TP Hà Nội).
Là một thành viên của Đoàn thanh niên phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), Quỳnh Anh tham gia hầu hết vào các hoạt động chống dịch tại địa phương, từ việc hỗ trợ các điểm tiêm vaccine; test nhanh Covid trên địa bàn hay chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ cho lực lượng cán bộ y tế, công an tại các điểm trực chốt;... cô đều có mặt đầy đủ và hoàn thành tốt công việc.
Vóc dáng nhỏ bé không cản được nhiệt huyết và mong muốn cống hiến, Quỳnh Anh xung phong gia nhập đội hình “shipper áo xanh”, nhận nhiệm vụ đi chợ giúp các hộ gia đình thuộc khu phong tỏa không thể ra ngoài mua thực phẩm, vật dụng thiết yếu. Cô cũng thường xuyên tham gia công tác hỗ trợ các lực lượng chức năng kiểm tra việc thông hành của người dân trong những ngày giãn cách xã hội.
Khi được hỏi về sự khó khăn trong quá trình tham gia công tác tình nguyện phòng - chống dịch tại địa phương, Quỳnh Anh chia sẻ: “Mình không thấy gì là khó khăn cả. Dù các hoạt động nhiều, diễn ra liên tục và kéo dài cho đến khi hết giãn cách, thậm chí có những ngày mình phải đi từ sáng sớm đến tối muộn. Thế nhưng, được góp chút sức nhỏ cho công tác phòng - chống dịch tại địa phương, có cơ hội giúp đỡ mọi người, được làm việc mình thích, mình không hề thấy mệt mà ngược lại, mình rất vui và hào hứng với mọi hoạt động”.
Khi biết Quỳnh Anh đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ phòng - chống dịch tại địa phương, bố mẹ bạn rất ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ con gái trong mọi hoạt động. Nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ, Quỳnh Anh càng có thêm động lực tham gia các hoạt động công ích xã hội, giúp đỡ cộng đồng.
Kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình tham gia tình nguyện chống dịch tại địa phương, Quỳnh Anh bộc bạch: “Nhớ nhất tối hôm mình lên nhà văn hoá phát gạo cho các hộ gia đình trong tổ dân phố có hoàn cảnh khó khăn. Bác tổ trường và mình đều ở lại khá muộn. Một bà gần đó tặng mình bánh và dặn “Con ăn cho đỡ đói”. Dù khi ấy đã muộn, bà cũng là một trong những hộ dân gặp khó khăn, nhưng vẫn để ý quan tâm đến mình. Mình nhận ra những lúc dịch bệnh, khó khăn như hiện nay, mọi người càng trở nên yêu thương và chia sẻ với nhau hơn bao giờ hết. Thật sự ấm lòng vô cùng!”.
Hiện tại tình hình dịch bệnh ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) đã ổn định hơn nhiều, không còn các khu vực phong tỏa trên địa bàn phường, các chốt đã được gỡ bỏ, việc đi lại trở nên thuận tiện hơn. Có được kết quả đó, ngoài việc điều chỉnh, ban hành các chỉ thị, những nỗ lực phòng - chống dịch từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội, thì một phần không nhỏ là công sức của những tình nguyện viên áo xanh như Quỳnh Anh. Mong bạn giữ gìn sức khỏe thật tốt trong mùa dịch để giúp đỡ cộng đồng, góp phần đưa Hà Nội quay về cuộc sống bình thường mới.
Chuyến du lịch “quanh làng” đặc biệt của cô bạn Lệ Giang - Báo ảnh K40
Lê Lệ Giang, sinh viên lớp Báo ảnh K40 (Viện Báo chí). May mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác, khi dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Lệ Giang đã kịp thời về quê cùng gia đình.
Sau vài ngày bắt nhịp lại với cuộc sống tại quê nhà thuộc thôn Mễ Hạ, Xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên , Lệ Giang nhận thấy việc phòng - chống dịch ở địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn nữa: “Người dân ở địa phương mình chủ yếu là dân buôn bán, đi rất nhiều nơi. Do đó, trong năm 2021 đã 4 lần phải thiết lập phong toả”. Chính điều này đã thôi thúc cô gái trẻ tham gia công tác tình nguyện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch: “Nhận thấy sự vất vả của nhân viên y tế, công an xã, tổ phòng chống dịch của địa phương và sự khó khăn về kinh tế lẫn tinh thần của người dân nên sau khi nhận được tin nhắn kêu gọi tham gia chống dịch của Bí thư chi đoàn, mình đã đồng ý tham gia ngay”, Giang chia sẻ.
Lệ Giang tham gia hầu hết các hoạt động tình nguyện, hỗ trợ chống dịch của địa phương như: trực chốt, phát vật phẩm thiết yếu cho người dân trong vùng phong tỏa, kêu gọi ủng hộ, tình nguyện viên tham gia chống dịch, truyền thông trên mạng xã hội, treo biển đối với các gia đình có người cách ly tại nhà, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm.
“Khi có lịch học chính thức ở trường, em phải cân đối thời gian giữa việc học và các hoạt động công ích xã hội. Tuy nhiên, các bác, các chú và những bạn tình nguyện viên khác luôn động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho em. Điều đó chính là động lực to lớn khiến em luôn trong tâm thế sẵn sàng đồng hành cùng mọi người”.
Nhắn nhủ tới những “chiến sĩ” áo trắng, áo xanh đang gồng mình chống dịch, Lệ Giang chia sẻ: “Cảm ơn và biết ơn những y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã cố gắng, vất vả ngày đêm để giữ sức khỏe, tính mạng cho đồng bào. Chúc mọi người có thật nhiều sức khoẻ và bình an.”
Chàng trai miền Trung đa tài và câu chuyện tham gia phòng dịch đầy tự hào
Lê Cảnh Nguyễn Khanh là cái tên khá quen thuộc với thầy cô, các bạn sinh viên Viện Báo chí nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung. Chàng trai 19 tuổi hiện đang là Trưởng ban Truyền thông - Đối ngoại tại CLB Báo chí - Truyền thông CJC và là Lớp phó Học tập của lớp Báo In K40.
Khi quay trở về địa phương vào thời điểm dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Khanh nhanh chóng tham gia vào công tác chống dịch tại địa phương - thành phố Đà Nẵng, nơi đã từng là tâm dịch Covid-19.
Tuy tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng như trước, nhưng các tình nguyện viên tại địa phương vẫn nỗ lực duy trì sự cảnh giác cao độ với mong muốn giữ vững tình hình an toàn, ổn định.
“Khi quay về địa phương em không thấy có tên của mình trong danh sách. Tuy nhiên, em vẫn quyết tâm xung phong tham gia vào công việc này, vừa làm giàu vốn sống và trải nghiệm cho bản thân, vừa đóng góp một phần công sức của mình với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch”.
Hiện tại, Khanh đang tham gia vào các chốt trực kiếm soát dịch tại địa phương, nhiệm vụ chính là giám sát, kiểm tra số lượng người - xe ra vào, đảm bảo an ninh trật tự tại chốt trực, duy trì phân luồng, giãn cách tối thiểu 1m tại chốt trực và kiểm soát lực lượng shipper, không cho tùy tiện ra vào khu dân cư nhằm tránh lây lan mầm bệnh từ nơi khác và hạn chế tối đa sự lây nhiễm chéo (nếu có) tại đây. Bên cạnh đó, chàng sinh viên năng động của Viện Báo chí còn thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh từ bản đồ dịch tễ, các cổng thông tin... để có thể cung cấp cho mọi người khi cần thiết.
Khanh tâm sự: “Khi tham gia công tác tình nguyện khó có thể tránh khỏi những trở ngại. Đầu tiên chính là về thời tiết. Do vị trí địa lý của Đà Nẵng nên thời tiết ở đây tương đối nóng, đặc biệt là vào thời điểm trưa và đầu giờ chiều, và điều đó ít nhiều có sự ảnh hưởng đến sức khỏe của em. Lượng người - xe ra vào khá lớn tại một vài thời điểm đôi lúc cũng gây khó khăn, vì em phải kiểm tra kỹ càng, không để bỏ sót bất kỳ trường hợp nào cả. Bên cạnh đó, một vài trường hợp cá biệt cố tình chạy nhanh để "thông chốt", em và các thành viên tham gia phải đuổi theo để dừng phương tiện và thực hiện các công tác điều tra cần thiết. Cuối cùng là vấn đề về thời gian. Em phải sắp xếp, cân đối thời gian một cách thật kỹ càng để có thể vừa đảm bảo học tập tại lớp, các công việc tại trường và công tác phòng chống dịch tại chốt”.
Công việc tuy có nhiều vất vả nhưng đó là công việc thiêng liêng và đáng quý nhất trong cuộc đời mỗi sinh viên, mỗi thanh niên tình nguyện. Với Khanh cũng vậy “Em nghĩ bản thân mình đã học được rất nhiều điều từ mọi người. Đầu tiên là tính kiên nhẫn và cẩn thận và tinh thần trách nhiệm. Chỉ cần buông lỏng một chút thôi điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra khi mầm bệnh từ các nơi khác xâm nhập vào khu vực em đang công tác, phá hủy toàn bộ công sức phòng chống dịch của mọi người bấy lâu nay. Cuối cùng là cách giữ một tinh thần lạc quan. Nếu không có sự lạc quan, không tin vào các đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các cơ quan... trong công tác phòng chống dịch thì thực sự là khá khó để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Sinh viên Viện Báo chí nói riêng hay những bạn trẻ khác đang tham gia phòng chống dịch ngoài kia nói chung, các bạn xứng đáng là một hình mẫu về sự bản lĩnh, quyết tâm, của tình yêu thương cộng đồng,... trong tiềm thức mỗi bạn trẻ ngày nay.
Phản hồi