Chọn ngành sao cho “khéo”?
PV: Kỳ thi đại học đang đến gần nhưng nhiều bạn thí sinh còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành, nghề tương lai. Vậy theo thầy, có những yếu tố nào để lựa chọn ngành, nghề phù hợp?
ThS. Dương Quốc Bình: Khi lựa chọn ngành nghề, các bạn cần lưu tâm các yếu tố chủ quan và khách quan sau đây:
Yếu tố đầu tiên cũng là yếu tố quan trọng nhất là nguyện vọng của bản thân. Nhận thức được mình đam mê, yêu thích công việc gì sẽ là động lực dẫn các bạn học sinh lựa chọn đúng con đường. Mặt khác, nguyện vọng ấy đồng thời phải phù hợp với năng lực của các bạn.
Bên cạnh đó, yếu tố đến từ bên ngoài cũng phải xem xét kỹ lưỡng đó là nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề. Hiện nay, dưới sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ của thế giới, nhiều ngành nghề biến mất và theo đó cũng nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Vì vậy, việc đánh giá nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề các bạn lựa chọn là điều quan trọng để biết được cơ hội phát triển của bản thân trong tương lai. Điều đó cũng cho biết mức thu nhập của ngành có đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của bạn hay không.
PV: Thực tế, hầu hết các bạn thí sinh khi chuẩn bị bước vào kì thi đại học đều nhận được lời khuyên hoặc định hướng từ gia đình. Theo thầy, định hướng của gia đình đóng vai trò như thế nào trong việc lựa chọn ngành nghề của các em?
ThS. Dương Quốc Bình: Cá nhân thầy cho rằng ý kiến của gia đình rất quan trọng nhưng không nên quyết định lựa chọn ngành, nghề nếu chỉ dựa vào yếu tố này. Dưới tác động của thời đại công nghệ số và bùng nổ thông tin, thế giới thay đổi rất nhanh. Có những điều chúng ta cho là đúng đắn và phù hợp bây giờ nhưng một thời gian sau, chưa chắc điều đó đã là đúng đắn nhất, phù hợp nhất. Các bạn nên lắng nghe ý kiến, quan điểm của gia đình nhưng phải biết đánh giá, nhìn nhận những yếu tố xuất phát từ bản thân và nhu cầu của xã hội.
PV: Với kinh nghiệm là giảng viên đã nhiều năm, theo thầy, các bạn thí sinh thường gặp sai lầm nào nhất khi chọn ngành?
ThS. Dương Quốc Bình: Sai lầm lớn nhất của một số bạn trẻ học chỉ để có một tấm bằng đại học mà không quan tâm bản thân có phù hợp hay không, dẫn đến 4 năm đại học trôi qua nhàm chán và vô ích. Hơn nữa, trong thời gian đó nếu các bạn không bồi đắp được tình yêu nghề thì khi ra trường đi làm, năng lực và khả năng cạnh tranh cũng thua kém các đồng nghiệp, làm việc không hiệu quả, sự nghiệp khó có thể phát triển.
Cơ hội nào cho các bạn trẻ đam mê Báo chí - Truyền thông?
PV: Được biết, thầy đã có thời gian học tập tại Mỹ và công tác tại báo Lao động với vai trò là phóng viên, vậy thầy đánh giá nhu cầu nhân lực và cơ hội nghề nghiệp của ngành Báo chí - Truyền thông hiện nay như thế nào?
ThS. Dương Quốc Bình: Ngành Báo chí - Truyền thông hiện nay rất phát triển và vẫn sẽ tiếp tục tiến xa hơn nữa trong những năm tới đây. Lĩnh vực này đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua ứng dụng khoa học công nghệ khi cả thế giới đang bước vào giai đoạn kỷ nguyên số và chuyển đổi số. Vì vậy, các cơ quan báo chí hay các công ty truyền thông đều rất cần nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ hiện đại, biết áp dụng kĩ thuật tiên tiến trong sản xuất. Nhìn chung, đối với các vị trí như chuyên viên truyền thông, phóng viên, biên tập viên, quay phim, dựng phim,.. sẽ luôn yêu cầu nguồn nhân lực cao và chất lượng.
PV: Có ý kiến cho rằng: Ngành Báo chí - Truyền thông không dành cho những người hướng nội, ngại giao tiếp. Dưới góc nhìn của một người công tác trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, thầy nghĩ sao về ý kiến này?
ThS.Dương Quốc Bình: Hướng ngoại hay hướng nội chỉ là một cách đánh giá cảm quan dựa trên cách các bạn trẻ bộc lộ ra bên ngoài. Hơn nữa, Báo chí - Truyền thông là lĩnh vực rất rộng, là không gian chứa đựng mọi tính cách, mọi cá tính của các cá nhân. Vì vậy, người hướng nội vẫn hoàn toàn có thể theo đuổi ngành này nếu họ có tư duy tốt và đam mê với nghề. Khi chúng ta tiếp nhận truyền thông thông qua các trang mạng xã hội thường dẫn tới một sai lầm cho rằng: Truyền thông chỉ dành cho những người hướng ngoại. Nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều người hướng nội có tay nghề giỏi đang công tác tại các tòa soạn hay các công ty truyền thông rất tốt. Vậy nên, các bạn dù tính cách hướng ngoại hay hướng nội cũng đừng ngần ngại theo đuổi đam mê của mình nhé!
PV: Theo thầy, Viện Báo chí tạo ra một môi trường như thế nào để đào tạo sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông?
ThS. Dương Quốc Bình: Thứ nhất, Viện Báo chí luôn nỗ lực cập nhật và hoàn thiện những điều mới và tiên tiến nhất trên thế giới để áp dụng trong nghiên cứu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy các chuyên ngành Báo chí - Truyền thông.
Thứ hai,Viện thường xuyên mở ra cơ hội để sinh viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau thông qua các sự kiện đặc sắc như sự kiện chào tân sinh viên hay các hội thảo khoa học,.. Đặc biệt, dù còn học tập trên giảng đường hay đã tốt nghiệp, giảng viên Viện Báo vẫn luôn đồng hành cùng học trò khi các em cần sự giúp đỡ. Từ những kỳ kiến tập hay thực tập, thầy cô sẽ cố gắng kết nối sinh viên đến với môi trường việc làm phù hợp mà các em mong muốn.
Để phản ánh chính xác nhất, thầy có thể tóm gọn trong 3 chữ “Văn minh, Năng động và Tình cảm” .
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của thầy!
Phản hồi