Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Chuyên đề \

Truyền thông đa phương tiện và cuộc sống hiện đại

23:29 18-04-2020
Tiếp nhận thông tin là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Ngày nay, với công cụ là những sản phẩm truyền thông đa phương tiện, nhu cầu ấy không chỉ được đáp ứng mà còn được đáp ứng ở mức độ cao và toàn diện.

Truyền thông đa phương tiện là gì?

Truyền thông đa phương tiện được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hiện đại, từ đời sống sinh hoạt thường nhật đến môi trường làm việc học tập, hay trong các hoạt động giải trí. Báo mạng, các tin tức trên Facebook, Twitter, các TVC, teaser, trailer,… chúng đều được gọi là những sản phẩm truyền thông đa phương tiện.

Trước khi hiểu về truyền thông đa phương tiện, cần định nghĩa thế nào là “đa phương tiện”. Trường đại học Calcary (Canada) cho rằng “ngày nay, đa phương tiện có thể được định nghĩa giống như một hình thức kĩ thuật số không dây mà ở đó là sự hợp nhất của văn bản, đồ họa, hoạt họa, âm thanh, ảnh tĩnh và video clip, nhằm cung cấp cho cá nhân người dùng sự kiểm soát và tương tác ở mức độ cao”. Còn theo định nghĩa của Techopedia, “đa phương tiện đề cập đến một nội dung bao gồm nhiều hơn một phương tiện truyền đạt. Các dạng phương tiện khá đa dạng, nhưng nhìn chung, chúng bao gồm: Văn bản, âm thanh, ảnh và đồ họa, video và hoạt họa”.

Từ những nhận định trên, có thể rút ra kết luận “đa phương tiện là sự kết hợp giữa nhiều phương tiện (ở đây bao gồm văn bản, âm thanh, đồ họa, hoạt họa, video), trên nền tảng số, tạo cho người tiếp nhận những trải nghiệm đa dạng, cho phép tương tác ở mức độ cao (tiếp nhận và phản hồi trong khoảng thời gian ngắn). Và nếu xem xét ở phạm vi hẹp hơn nữa, “truyền thông đa phương tiện” chính là sự truyền đi thông tin, thông điệp dưới nhiều phương tiện khác nhau, trên nền tảng số, cho phép sự tương tác hai chiều từ nguồn phát và cả nguồn tiếp nhận.

"Truyền thông đa phương tiện" và "Yếu tố đa phương tiện"

Tại đây, bài viết muốn đề cập thêm đến sự phân biệt giữa “truyền thông đa phương tiện” và những sản phẩm có chứa “yếu tố đa phương tiện”. Đây là hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn cho người đọc trong quá trình tiếp nhận. Như đã đề cập ở trên, “truyền thông đa phương tiện” phải bao gồm đủ các yếu tố truyền thông, nền tảng số, đa phương tiện, và tương tác đa chiều. Nếu thiếu đi một trong những điều kiện trên, sản phẩm đó có thể được coi là sản phẩm có chứa “yếu tố đa phương tiện”.

Ví dụ, tựa game PlayerUnknown’s Battlegrounds (PUBG) có các yếu tố nền tảng số, đồ họa, âm thanh, có sự tương tác đa chiều giữa các người chơi với nhau, giữa người chơi và nhà phát hành, nhưng lại thiếu đi yếu tố truyền thông, vậy nên không thể xếp PUBG là một sản phẩm “truyền thông đa phương tiện”, mà đó là một sản phẩm game có ứng dụng các “yếu tố đa phương tiện”.

Đồ họa và sự tương tác giữa các người chơi là một yếu tố đa phương tiện của game (Nguồn ảnh: Internet)

Lấy một ví dụ khác, đó là sự ứng dụng của yếu tố đa phương tiện vào truyền hình nhằm cho ra đời truyền hình kĩ thuật số tương tác. Ứng dụng tiêu biểu nhất có thể kể đến là khả năng tương tác trực tiếp với MC, lựa chọn chương trình xem yêu thích, lựa chọn xem dưới các góc quay khác nhau.

Truyền hình cho phép người dùng tương tác trực tiếp với MC

(Nguồn ảnh: Internet)

Khác với những sản phẩm có chứa "yếu tố đa phương tiện", một sản phẩm "truyền thông đa phương tiện" thường sẽ có đầy đủ những yêu cầu về thông điệp và đa phương tiện. Ví dụ như bài báo dưới đây:

Thông tin về tình hình dịch Covid-19 được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet có sử dụng yếu tố văn bản và đồ họa

Ứng dụng của truyền thông đa phương tiện

Sự nhanh chóng và đa dạng của các sản phẩm truyền thông đa phương tiện là yếu tố giúp cho sự ứng dụng của loại sản phẩm này được lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ trong truyền thông, rất nhiều lĩnh vực khác đã sử dụng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển. Trong rất nhiều lĩnh vực trên thực tế, bài viết sẽ đề cập đến bốn lĩnh vực mà ở đó, sự ứng dụng truyền thông đa phương tiện ở mức cao, rõ ràng và có tần suất lớn.

Thứ nhất, báo chí là một lĩnh vực sử dụng truyền thông đa phương tiện vô cùng mạnh mẽ. Trên thế giới hiện nay, báo chí luôn tận dụng gần như tất cả các phương tiện có thể để truyền đi tin tức của mình. Một tờ báo có thể vừa phát hành báo in, vừa điều hành một trang báo điện tử, và đồng thời tiến hành thực hiện nhiều thể loại báo chí khác nhau. Cùng với đó, khi phát hành một sản phẩm báo chí, họ tận dụng tối đa sự tiếp cận với các giác quan của con người để truyền đi tin tức, bao gồm văn bản, hình ảnh, đồ họa, hoạt họa, âm thanh, video.

Bài báo có sử dụng hình ảnh

Bài báo có sử dụng đồ họa

Bài báo có sử dụng video

Ở Việt Nam, báo chí cũng đang từng bước tiếp cận và tiếp cận sâu với việc ứng dụng truyền thông đa phương tiện. Từ việc người dân Việt Nam chỉ có thể tiếp nhận nguồn tin báo chí từ những tờ báo in được phát hành định kỳ, hoặc nghe tin tức từ radio thì hiện nay, họ đã có thể tiếp nhận tin tức mọi lúc, mọi nơi, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, hay một chiếc máy tính có kết nối Internet. Những tờ báo in, các trang báo điện tử, page thông tin trên mạng xã hội, radio nghe được từ đài phát và trên điện thoại thông minh, các chương trình thời sự và điểm tin trên TV,… tất cả đều phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin của con người.

Và hơn thế nữa, báo chí Việt Nam cũng tiến hành nhiều loại hình báo chí, ứng dụng những sản phẩm truyền thông đa phương tiện để nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng tính tương tác.

Bài viết có chèn video

Bài viết có chèn hình ảnh

Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong lĩnh vực báo chí khiến cho thông tin báo chí trở nên sống động, hấp dẫn hơn đối với người đọc. Những sản phẩm truyền thông đa phương tiện không chỉ thỏa mãn “không gian báo chí” của con người với lượng thông tin phong phú, được truyền tải bằng các hình thức đa dạng mà còn đáp ứng được nhu cầu về “thời gian báo chí” khi con người có thể cập nhật thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng. Việc báo chí tiến hành ứng dụng những sản phẩm truyền thông đa phương tiện cũng giúp nhà báo trong điều kiện tác nghiệp, việc lấy tin và truyền tin đến công chúng trở nên thuận tiện và chất lượng hơn.

Thứ hai, có thể nhận thấy, những sản phẩm truyền thông đa phương tiện được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực chính trị. Một số ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng này là những bài phát biểu của các chính trị gia được đăng tải trên nền tảng Youtube, nơi nhiều người có thể xem và bình luận. Việc này không chỉ giúp thông tin được lan truyền rộng rãi, mà còn góp phần nâng cao độ nhận diện của những chính trị gia.

Bài phát biểu của cựu thổng thống Mỹ Barack Obama được CNN đăng tải trên Youtube

NBC News đăng tải trực tiếp những chỉ thị của tổng thống Mỹ Donald Trump

Ở Việt Nam, một ứng dụng của truyền thông đa phương tiện được chính phủ sử dụng gần đây nhận được rất nhiều hưởng ứng tích cực là MV ca nhạc Ghen Cô Vy - một sản phẩm do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đặt hàng nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Min và Erik.

MV Ghen Cô Vy được đăng tải trên Youtube

Có thể thấy việc chính phủ ứng dụng những sản phẩm truyền thông đa phương tiện giúp thông tin được lan truyền nhanh chóng hơn, và thông điệp truyền đi cũng bớt phần "khô khan", dễ dàng tiếp cận với người dân. Hơn nữa, từ trường hợp của MV Ghen Cô Vy có thể thấy, thông điệp truyền đi bằng những sản phẩm truyền thông đa phương tiện không chỉ gây nên cơn sốt ở Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế hưởng ứng, tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực cho công cuộc phòng chống dịch trên thế giới.

Thứ ba, trong kinh doanh, ứng dụng của truyền thông đa phương tiện được sử dụng nổi bật trong khâu PR, quảng cáo. Các nhãn hàng sử dụng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện như một cây cầu nối trực tiếp tác động đến nhu cầu, mong muốn của từng cá nhân tiêu dùng. Nếu như trong thế kỉ 19, PT Barnum đã thúc đẩy, quảng bá cho những buổi biểu diễn xiếc của mình chỉ bằng cách sử dụng đại diện báo chí thông báo với mọi người về những buổi diễn hay quảng cáo nó bằng những tấm áp phích; thì ngày hôm nay, bằng những sản phẩm truyền thông đa phương tiện, các nhãn hàng đã có thể thể hiện mình dưới nhiều hình thức phong phú hơn, cũng có nhiều cách thức đề thu hút người tiêu dùng hơn.

Đầu tiên có thể nói đến những TVC được chau chuốt hình ảnh, âm nhạc, nội dung, được phát hành rộng rãi. Đây luôn là chìa khóa được các nhãn hàng sử dụng nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, tạo sự hứng thú và kích thích mua hàng.

Quảng cáo của Dove hướng đến thông điệp "Bạn đẹp hơn những gì bạn nghĩ"

Chocopie với một TVC nhẹ nhàng cảm động về tình cảm gia đình

Hay gần đây, Innisfree đã sử dụng sản phẩm truyền thông đa phương tiện là những video ghi lại cảnh người dùng trải nghiệm thực tế ảo hẹn hò cùng Lee Minho, nhằm quảng cáo sản phẩm và thu hút người tiêu dùng đến trải nghiệm.

Video về trải nghiệm thực tế ảo được Innisfree đăng tải

Thứ tư, trong lĩnh vực giải trí, truyền thông đa phương tiện được ứng dụng trong việc quảng bá những sản phẩm sắp ra mắt. Những sản phẩm truyền thông đa phương tiện thường gặp nhất là teaser và trailer. Việc tóm tắt nội dung, trích xuất những phân cảnh hấp dẫn trong phim và bài hát, hoặc sáng tạo riêng một nội dung mới để quảng bá cho sản phẩm, sau đó đăng tải trên những nền tảng số như Youtube, hoặc mạng xã hội để mọi người có thể xem, chia sẻ, và để lại bình luận, sẽ góp phần đẩy độ nhận diện của sản phẩm sắp ra mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành.  

Teaser MV "Look  What You Make Me Do"

Trailer "Harry Potter and the Deathly Hallows"

Lời kết

Những ứng dụng của truyền thông đa phương tiện đã góp phần tạo nên sự hiện đại trong cuộc sống của con người. Con người được tiếp cận thông tin qua những phương thức nhanh chóng và tối giản nhất, nhưng lượng thông tin thu về lại vô cùng phong phú. Tuy nhiên, đi cùng với sự nhanh chóng, tiện lợi ấy, là sự thiếu chọn lọc và ồ ạt của thông tin. Trên các nền tảng số, bên cạnh những thông tin chính thống là vô vàn tin giả, được “giật tít" sốc nhằm "câu like” hoặc tung ra với nhiều mục đích xấu khác. Vậy nên, bên cạnh sự thuận tiện, nhanh chóng, đơn giản trong việc tiếp nhận thông tin, con người cũng cần đọc với một sự đánh giá khách quan, và sự bình tĩnh để tránh việc tiếp nhận tin xấu cho bản thân, hơn nữa là tránh việc lan truyền tin giả đến nhiều người khác. Thời đại công nghệ số cho phép thông tin được phát ra với một hình thức và nội dung phong phú, cũng cho phép hàng ngàn người được biết thông tin ấy trong thời gian ngắn. Nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với việc, tin giả cũng có thể bóng bẩy và hoành tráng, cũng có thể được truyền đi với những lời lẽ đầy chắc chắn và thuyết phục, và chỉ một nút share, hàng ngàn người sẽ phải tiếp cận với nguồn tin sai lệch ấy. Vậy nên, không phải bất cứ thông tin nào khi đến với chúng ta cũng đều có mục đích tốt, mỗi cá nhân người tiếp nhận cần tự mình chắt lọc, kiểm tra và phản ánh để tạo nên một không gian tin tức trong sạch.

Ngân Hà - TTĐPT K38

Phản hồi