Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Chuyên đề \

Trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác nhạc: Cơ hội hay thách thức cho các nghệ sĩ?

15:40 06-12-2024
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đã mở ra những chân trời mới cho ngành công nghiệp âm nhạc. Vượt khỏi những khuôn khổ truyền thống, các nghệ sĩ giờ đây có thể sử dụng AI để tạo ra những tác phẩm âm nhạc độc đáo và đa dạng. Dù mang đến nhiều cơ hội, trí tuệ nhân tạo cũng gây ra không ít những trở ngại cho lĩnh vực này. 

Bệ phóng cho những ý tưởng đột phá

Những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng âm nhạc đầy tiềm năng khi trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện. Nhiều phần mềm và ứng dụng AI ngày càng tinh vi, có khả năng tự sáng tác đa dạng thể loại âm nhạc, từ những giai điệu đơn giản đến những bản giao hưởng phức tạp.

Tiêu biểu cho mô hình này, tháng 11/2023, nữ nhạc sĩ ảo Anna Indiana chính thức “ra đời”, được tạo ra hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo. Cô đã ra mắt ca khúc đầu tiên của mình mang tên "Betrayed by this Town". Bài hát này đã nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Đặc biệt, toàn bộ quá trình sáng tác, từ giai điệu, lời ca đến phối khí đều do AI thực hiện.

Nữ ca sĩ Anna Indiana do AI tạo ra đã phát hành ca khúc đầu tiên của mình. (Nguồn: Youtube) 

Với khả năng xử lý lượng thông tin khổng lồ và tốc độ tính toán nhanh chóng, AI có thể giúp nhạc sĩ vượt qua những rào cản sáng tạo một cách hiệu quả. Thay vì phải mất hàng giờ để tìm kiếm một đoạn nhạc nền phù hợp, các nghệ sĩ có thể sử dụng AI để tạo ra các tùy chọn theo ý thích chỉ trong vài giây. 

Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn mở ra không gian cho các nghệ sĩ tập trung vào những khía cạnh khác như hòa âm, giai điệu và ca từ. Hơn nữa, AI còn có thể đưa ra những gợi ý bất ngờ, những hợp âm bất thường mà con người chưa từng nghĩ tới, giúp các tác phẩm âm nhạc trở nên độc đáo và mới lạ hơn. 

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Đức, người từng được Bộ Tư Lệnh Binh chủng Hoá học trao tặng bằng khen, giấy khen trong sáng tác nhạc, cho rằng: “Đối với tôi, AI là một công cụ hỗ trợ sáng tạo rất tốt và có thể giúp con người tiết kiệm thời gian và khám phá những cái khả năng mới. Trong quá trình sáng tác nhạc, AI có thể gợi ý cho mình những câu từ, tuyến giai điệu phù hợp với ý tưởng bài hát. Song bản thân mình chỉ giới hạn việc sử dụng nó ở mức dưới 3-5% cho một tác phẩm. Nếu lạm dụng quá nhiều thì bài nhạc đó sẽ không còn là bài nhạc của mình nữa”.

Bên cạnh đó, AI đang từng bước phá vỡ những rào cản truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Với khả năng phân tích và kết hợp các yếu tố âm nhạc từ nhiều nền văn hóa khác nhau, AI tạo ra những phong cách âm nhạc mới lạ, pha trộn giữa hiện đại và cổ điển, giữa phương Đông và phương Tây. Nguồn dữ liệu khổng lồ từ mạng internet giúp AI có được nhiều thông tin và dễ dàng xử lý nó chỉ sau vài câu lệnh. Điều này mở ra một chân trời sáng tạo vô tận cho các nghệ sĩ, giúp họ khám phá những vùng đất âm nhạc chưa từng “đặt chân” đến. 

Thách thức đối với các nghệ sĩ

Sự tiện lợi và hiệu quả mà trí tuệ nhân tạo mang lại cũng đồng thời đặt ra câu hỏi về tính độc đáo trong âm nhạc. Khi các nghệ sĩ quá phụ thuộc vào AI để tạo ra nhạc, nguy cơ các tác phẩm trở nên tương đồng và thiếu đi dấu ấn cá nhân là rất lớn. Thuật toán của AI trong âm nhạc thường sắp xếp các nốt nhạc để tạo ra những tuyến giai điệu, vì vậy nó có thể tự tạo ra âm nhạc, vừa trở thành công cụ tạo ra âm nhạc. Nếu nghệ sĩ lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất, âm nhạc sẽ mất đi sự độc đáo và sáng tạo vốn  có.

Sự tham gia của AI trong sáng tác nhạc còn đặt ra những câu hỏi hóc búa về bản quyền: Khi một tác phẩm được tạo ra một phần hoặc hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo, bản quyền sở hữu tác phẩm sẽ thuộc về ai, người lập trình AI, người cung cấp dữ liệu hay chính là AI? Việc xác định tác giả trong trường hợp này là vô cùng phức tạp và chưa có quy định rõ ràng. Đây là một vấn đề nan giải bởi nó không chỉ gây ra những tranh chấp pháp lý mà còn làm xói mòn giá trị của tác phẩm âm nhạc.

Việc AI sáng tác nhạc đặt ra nhiều vấn đề tranh luận. (Ảnh: Văn hoá đường phố)

Ngoài ra, sự phát triển của AI không chỉ tác động đến tính sáng tạo mà còn ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm của các nhạc sĩ. Trong tương lai, AI có thể thực hiện một số công việc của nhạc sĩ, như viết nhạc nền, tạo nhạc cụ ảo, thậm chí là sáng tác những bản nhạc đơn giản. Sự tiện lợi này lại làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của các nhạc sĩ, đặc biệt là những người làm công việc sáng tác nhạc nền cho phim, game hoặc quảng cáo. 

T.S Văn hoá học Bùi Thị Như Ngọc, Giảng viên Cơ sở văn hoá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “AI với sự sáng tạo và lập trình của con người có thể tạo ra các sản phẩm văn hóa, về các xu hướng đa dạng và khác biệt. Song, dù AI có tiên tiến hiện đại đến đâu và như thế nào thì nó vẫn là một sản phẩm do con người tạo ra. Chính vì vậy, chúng ta cần chủ động, tỉnh táo để AI phục vụ cho sự phát triển một cách tích cực của con người và xã hội; khiến nó trở thành động lực góp phần thúc đẩy các thành tựu sáng tạo văn hóa của con người, chứ không nên để xảy ra tình trạng là chúng ta chạy theo AI, lạm dụng và trở thành nô lệ của nó”.

Để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, các nghệ sĩ không chỉ cần tài năng mà còn phải là những người thích nghi nhanh nhạy. Việc nắm vững công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, là điều vô cùng cần thiết. Các nghệ sĩ cần không ngừng trau dồi khả năng sáng tạo độc đáo của mình, khai thác những giá trị mà AI không thể thay thế như cảm xúc, kinh nghiệm sống và khả năng kể chuyện. 

Song song với đó, việc bảo vệ bản quyền cũng là một vấn đề cấp bách để đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo trong một môi trường cạnh tranh cao. Các nghệ sĩ cần linh hoạt thích ứng với những thay đổi không ngừng của thị trường âm nhạc, tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển sự nghiệp.

Mai Anh - Báo in K42

Phản hồi