“Phòng tin học cho em” là một trong 14 dự án thuộc hệ sinh thái “Nuôi Em”, được sáng lập và điều hành trực tiếp bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 Việt Nam & Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.
Triển khai vào tháng 3 năm 2023 do Trung tâm tình nguyện quốc gia, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp, chương trình “Phòng tin học cho em” đang hoàn thành tốt sứ mệnh thúc đẩy giáo dục vùng cao bằng công nghệ, mở ra cơ hội để các em vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với máy tính.
Bắt đầu từ năm 2022, Tin học đã trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ môn học này vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt với các trường ở vùng sâu, vùng xa.
Nhận thấy được tình hình này, một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau sáng lập chương trình “Phòng tin học cho em” với mong muốn mang công nghệ đến gần hơn với hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số.
Vũ Thanh Vân, 21 tuổi, sinh viên năm 3 Trường Quốc Tế Đại học Quốc gia Hà Nội là 1 trong 3 phụ trách chính của chương trình “Phòng tin học cho em” bày tỏ: “Tại nhiều tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, những điểm trường tốt nhất trong khu vực, dù ngoại thất đã được tân trang đẹp đẽ, nội thất lại chưa được chú trọng. Các em học sinh ở đây vẫn còn sử dụng bàn ghế cũ, phòng tin học cũng chỉ có 2-3 chiếc máy tính được tặng từ 10 năm trước cho lớp khoảng 30, 40 bạn”. Cũng theo Thanh Vân, những điểm trường khó khăn hơn trong khu vực, phòng tin học lại càng không được chú trọng.
Vì thế, chương trình “Phòng tin học cho em” được ra đời. Mục tiêu dự án đặt ra là trở thành cầu nối giữa nhà trường và các nhà tài trợ máy tính. Hơn nữa, những thành viên trong dự án mong muốn không để lãng phí những máy tính còn sử dụng tốt.
Những máy tính tuy cũ nhưng đều được “tân trang” lại, hoàn toàn có thể trao tặng cho các em. Theo các tình nguyện viên, nhu cầu sử dụng máy tính của học sinh thường dừng ở mức tin học văn phòng cơ bản. Vì vậy những máy tính đó vẫn phù hợp với mục đích và nguyện vọng của các em học sinh.
Thời gian đầu hoạt động, “Phòng tin học cho em” đã gặp không ít khó khăn. Nhóm bắt đầu thành lập chỉ với 8 thành viên, mỗi người một ngành nghề nhưng không ai giỏi về công nghệ máy tính. “Một trong những khó khăn là chúng tôi cần gom đủ số lượng, linh kiện - khoảng 12 bộ máy tính, đồng thời cần gửi máy đến các đơn vị sửa chữa để kiểm tra về chất lượng máy trước khi vận chuyển tới điểm trường. Bên cạnh đó là việc tìm kiếm trường học đạt các tiêu chí đề ra và kết nối nhà tài trợ, nhà hảo tâm.
Ban đầu, chương trình lấy thông tin khảo sát từ chính các thầy cô giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương nhưng vẫn còn nhiều khu vực chưa được kết nối. Vì vậy, từ cuối năm 2023, chương trình đã phối hợp với tỉnh Đoàn, thành Đoàn để có thể thực hiện khảo sát trực tiếp tại địa phương, giúp cho thông tin chính xác hơn, máy tính được đến tay người cần”, Thanh Vân chia sẻ.
Làm việc với các thành viên trong đội và người sáng lập Hoàng Hoa Trung, Thanh Vân được mở rộng vốn hiểu biết cũng như kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. “Tất cả đều hướng đến việc sống sao cho ý nghĩa, mỗi giây mỗi phút làm việc đều hiệu quả, xứng đáng, có ích cho xã hội”, Thanh Vân nói.
Các dự án trong hệ sinh thái Nuôi em đang được nhiều người tiếp cận trên báo chí và mạng xã hội nhưng với Thanh Vân cùng các tình nguyện viên khác, chừng đó vẫn chưa đủ mà cần nỗ lực hơn.
“Khi nhận được những lời khen, lời động viên thì tất nhiên tôi thấy vui và hạnh phúc. Chúng tôi hiểu khi được sự ủng hộ từ cộng đồng thì chương trình sẽ ngày càng được lan toả, đồng nghĩa càng nhiều các em nhỏ có được điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên để đáp lại sự tin tưởng đó, chúng tôi cần quyết tâm hơn, vững tin hơn vào con đường này”.
Dù còn đi học, Thanh Vân luôn cố gắng dành thời gian cho chương trình nhiều nhất có thể. Cô cũng là thành viên quan trọng của đội, trực tiếp tham gia vào nhiều khâu như tìm kiếm trường học, kết nối nhà tài trợ...
Trên hành trình này, khó khăn ở những ngày đầu khiến cô và các bạn tình nguyện viên trẻ tuổi khác càng hạnh phúc khi nhìn thấy được hiệu quả mà dự án mang lại.
Hiện tại, hơn 8 phòng tin học đang chờ trao. Đối với dự án “Chiến binh cầu vồng”, bên cạnh phòng tin học số 1 đã được trao tại Tân Nguyên, Yên Bái, phòng tin học số 2 và số 3 đang được triển khai và bắt đầu dần hoàn thiện. Theo đó, phòng tin học số 2 chỉ còn thiếu 4 bạn nhỏ nữa là sẽ hoàn thành, phòng tin học số 3 thì thiếu gần 20 bạn nhỏ.
Trong tương lai, mục tiêu của “Phòng tin học cho em” là cùng với cộng đồng chung tay trao tặng máy tính cho các trường có điều kiện khó khăn, chưa có máy tính hoặc còn thiếu máy tính trên cả nước để các em học sinh đều có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, những người làm dự án mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, các công ty, tổ chức để càng nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với máy tính hơn như các bạn ở trên thành phố, để tìm kiếm và ươm mầm tài năng các em.