Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Các ngành đào tạo báo chí - truyền thông \

Bật mí bí kíp vượt qua kỳ thi năng khiếu báo chí

14:49 30-04-2020
Thi năng khiếu là gì? Thi như thế nào? Phải ôn luyện ra sao? Đó là những câu hỏi mà thí sinh tham dự kỳ thi Năng khiếu báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường thắc mắc. Dưới đây là bài tổng hợp những kĩ năng cần thiết cho các sĩ tử để có thể hoàn thành tốt bài thi này.

Hằng năm, kỳ thi Năng khiếu báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn thu hút đông đảo các sĩ tử tham gia. Các thí sinh đăng kí thi các chuyên ngành Báo chí bắt buộc phải tham gia một bài thi Năng khiếu báo chí. Đối với các thí sinh dự thi chuyên ngành Báo in, Báo mạng điện tử, Báo phát thanh, Báo truyền hình, ngoài bài thi trắc nghiệm sẽ có phần tự luận gồm 2 câu hỏi. Đặc biệt là bài viết luận chiếm vị trí quan trọng trong thang điểm, đòi hỏi khả năng lập luận cũng như cách nhìn nhận đánh giá quan điểm khách quan của thí sinh. Sắp đến kỳ thi Năng khiếu báo chí, các sĩ tử đang gấp rút chuẩn bị cho mình kiến thức và tâm thế để dự thi. Bài viết này sẽ cung cấp những kĩ năng cần thiết để các bạn học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Chuẩn bị trước kỳ thi

Trước kỳ thi Năng khiếu báo chí, đây là khoảng thời gian mà các bạn tìm hiểu về chuyên ngành mình muốn học, về cách thi cũng như cấu trúc đề thi. Một bài thi Năng khiếu thường có 2 phần là trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm sẽ kiểm tra hiểu biết chung của thí sinh về các vấn đề xã hội, nằm trong các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa Lí. Ở phần tự luận, trừ chuyên ngành Ảnh báo chí và Quay phim truyền hình, các chuyên ngành còn lại sẽ có 2 câu hỏi cần sự lập luận phân tích về các vấn đề xã hội. Câu 1 yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình. Câu 2 cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện đòi hỏi thí sinh phải phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân bằng bài viết luận (không quá 500 chữ). 

Muốn làm tốt phần thi trắc nghiệm, thí sinh cần phải học chắc kiến thức cơ bản của các môn xã hội trong chương trình học phổ thông. Còn đối với bài thi tự luận, đòi hỏi phải có nhiều kĩ năng hơn. Thí sinh nên thường xuyên theo dõi tin tức thời sự nóng hổi, đọc báo, nghe đài để tiếp nhận những thông tin đang được dư luận quan tâm. Bởi bất kì một tin tức nào cũng có thể trở thành câu hỏi trong bài thi Năng khiếu báo chí. 

Thí sinh dự thi nên tìm hiểu kĩ về kỳ thi Năng khiếu, quan tâm đến những tin tức liên quan đến kỳ thi. Ví dụ như có thể tìm các đề thi Năng khiếu của các năm trước để làm quen dần với cấu trúc đề. Hoặc cũng có thể tự làm bài và so sánh với phần biểu điểm từ đó tự tìm cho mình cách triển khai đề, cách nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn. Ngoài ra, các bạn sĩ tử có thể tìm thêm thông tin theo các chủ để khác nhau, tự gạch dàn ý chi tiết để rèn sự nhanh nhạy. Đồng thời, thí sinh cũng nên vận dụng các thao tác tra cứu trên internet để tham khảo kết cấu, cách phân tích và cách viết của một bài luận. Chính những sự chuẩn kỹ càng này sẽ giúp các bạn tự tìm cho bản thân những kỹ năng viết bài tốt nhất. 

Đỗ Ngọc Anh - cựu sinh viên Báo in K34 có thành tích học tập xuất sắc đã có những lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa dành cho thế hệ đàn em tương lai: “Kỳ thi Năng khiếu báo chí đánh mạnh vào khả năng tư duy trước các vấn đề xã hội và khả năng thiên bẩm về báo chí nội tại trong bản thân các em. Vì vậy, các em nên rèn luyện và học hỏi nhiều vấn đề xã hội bằng việc theo dõi thời sự chính trị báo đài hằng ngày. Ngoài ra, cố gắng rèn luyện khả năng tư duy logic tất cả các vấn đề bởi văn phong báo chí sẽ khác với văn học thông thường. Điều quan trọng và cần nhất là tư duy các vấn đề để triển khai bài luận".

Trong khi thi Năng khiếu báo chí

Sau khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, các bạn sĩ tử đi thi cần có tâm lý ổn định và sự tự tin. Việc đầu tiên khi nhận được đề bài, thí sinh cần phải bình tĩnh, đọc kĩ đề, suy nghĩ kĩ, vạch ra những ý chính trong câu hỏi để tránh trả lời lan man, không đúng trọng tâm. Trong bài viết, thí sinh cần phải phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân trong bài luận một cách rõ ràng và khách quan. Việc thể hiện được quan điểm một cách sáng tạo cũng sẽ là một điểm cộng cho bài viết năng khiếu. 

PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí đã có những lời khuyên rất hữu ích về tư duy sáng tạo tới các thí sinh dự thi năng khiếu: “Với bài thi viết luận, các em hãy thể hiện năng lực sáng tạo, góc nhìn quan điểm tư duy của một người làm báo. Các em hoàn toàn được tự do viết theo cách hiểu của bản thân, đừng áp đặt suy nghĩ của mình trong suy nghĩ của người khác. Các thầy cô muốn nhìn thấy năng lực thật sự, khả năng tố chất của người làm báo trong chính các em chứ không phải tìm kiếm một người thợ sao chép giỏi hay cái máy chỉ làm theo khuôn mẫu”.  

Vậy khi đã có ý tưởng và dàn ý chi tiết, việc tiếp theo triển khai bài viết như thế nào? Trước tiên, các bạn nên chia bài viết theo cấu trúc thông thường gồm phần mở bài, phần triển khai ý và phần kết luận. Phần mở bài có thể viết theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu đề bài là những vấn đề nóng, các bạn nên trực tiếp vào đề. Đến phần triển khai ý, bài viết cần phải có các minh chứng rõ ràng, cụ thể, thuyết phục. Đặc biệt, nội dung không nên thể hiện một quan điểm mà nên soi chiếu dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Bởi lẽ báo chí cần nhất là sự trung thực và khách quan. Và việc viết bài dưới nhiều góc nhìn sẽ thể hiện rõ sự khách quan ấy. Phần kết bài, thí sinh có thể có phần liên hệ bản thân.

Không nên học tại các "lò" luyện thi 

Nhiều sĩ tử vì quá lo lắng về kỳ thi khốc liệt trên nên đã đổ xô tới các trung tâm luyện thi hoặc băn khoăn rằng không biết Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tổ chức luyện thi Năng khiếu báo chí hay không? PGS,TS. Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng Khoa Phát thanh truyền hình đã thẳng thắn chia sẻ vấn đề này trên livestream page của trường ngày 25/4/2020: “Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ không tổ chức ôn thi Năng khiếu báo chí. Chúng tôi quan niệm rằng, năng khiếu là thứ thuộc về thiên bẩm. Và bài thi Năng khiếu chính là cơ hội để khả năng thiên bẩm ấy được bộc lộ một cách tự nhiên".

Chính vì vậy, thí sinh không nên “ném” tiền vào những lò luyện thi. Chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, luyện tập hàng ngày, việc đỗ ngành học mình yêu thích sẽ không quá khó khăn. 

Nguyễn Thu Huyền, Vũ Thu Hà - TTĐC K38

Phản hồi