Danh mục Thứ Bảy, 20/04/2024

Các ngành đào tạo báo chí - truyền thông \

Báo in từ góc nhìn của các cựu sinh viên

09:34 16-05-2020
Truyền thông Trẻ đã tổng hợp những chia sẻ của các cựu sinh viên khi nói về quá trình học chuyên ngành Báo in tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đam mê và nỗ lực

Trước khi bắt đầu nộp hồ sơ vào trường, anh Võ Hồng Nhân (Bí thư lớp Báo in K34) và chị Quỳnh Trang (Báo in K35) đều tìm hiểu và suy nghĩ rất kĩ về việc lựa chọn chuyên ngành. Đối với hai anh chị, câu chữ trong mỗi bài báo in đều cần sự tinh túy, chắt lọc tỉ mỉ đòi hỏi người viết báo phải có kĩ năng chọn lọc thông tin một cách chính xác, cẩn thận. Theo quan điểm của anh Hồng Nhân, so với báo điện tử, báo in được chăm chút hơn trong từng câu chữ. Chính vì vậy, để được đăng trên tờ báo in, nhà báo cần phải có sự chuẩn chỉ tuyệt đối.

Anh Võ Hồng Nhân, Bí thư lớp Báo in K34 (ảnh NVCC)

Đặc biệt, báo in là một trong những chuyên ngành đem lại kiến thức chuyên sâu, bao quát nhất về hoạt động báo chí. Chị Trang chia sẻ rằng: “Học báo in, chị vẫn tự tin có thể làm tốt tất cả các loại hình khác như truyền hình, phát thanh, báo điện tử”.

Thời đại công nghệ 4.0, mạng lưới internet ngày càng phát triển, liệu còn chỗ đứng nào cho loại hình báo in? Chị Quỳnh Trang đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề này: “Đối với người làm báo, kĩ năng viết, cách phát hiện vấn đề, lập luận thuyết phục vô cùng quan trọng. Và học chuyên ngành Báo in sẽ mang đến tất cả những kĩ năng đó”. Có người cho rằng, học báo in sẽ không năng động như các chuyên ngành còn lại. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Sự năng động, tự tin phụ thuộc vào chính bản thân mình.

 

Chị Quỳnh Trang (phải) cựu sinh viên lớp Báo in K35 chụp cùng TS Lê Thị Nhã, giảng viên Viện Báo chí trong lễ tốt nghiệp đại học (ảnh NVCC)

Dành tình yêu và niềm đam mê cho báo in, anh Hồng Nhân cũng như chị Quỳnh Trang đã nỗ lực phấn đấu để trở thành một sinh viên chuyên ngành Báo in. Sau 4 năm học tập với chuyên ngành và quá trình rèn luyện tại Học viện, họ đều cảm thấy “đó là quyết định đúng đắn nhất đời mình”.  

Lắng nghe, tôn trọng và tâm huyết

“Các thầy cô bên khoa mình rất nhiệt tình, hết lòng tâm huyết với học trò” - chị Ngọc Anh (Báo in K34 - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2018) chia sẻ. Lớp chị khá hiếu động. Nhưng các thầy cô đã luôn hết lòng chỉ dạy, dìu dắt dẫn bước để sinh viên trưởng thành hơn.

Chị Ngọc Anh, lớp trưởng lớp Báo in K34 (ảnh NVCC)

Còn đối với chị Quỳnh Trang, học tập tại Viện Báo chí, khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn như một gia đình thật sự. Chị cho biết những năm học tập tại trường là những kỉ niệm chị luôn lưu giữ trong tim: “Có lẽ không ở môi trường nào, ý kiến của sinh viên lại được các thầy cô lắng nghe và tôn trọng như thế. Giảng viên của Viện Báo chí không chỉ là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực báo chí truyền thông mà còn là những người bạn của sinh viên, gần gũi, luôn sẵn sàng đồng hành trong mọi khó khăn, theo sát từng bước đi của học trò”.

Lắng nghe, nhiệt tình và tôn trọng, các thầy cô ở Viện Báo chí đã dần thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề báo cho sinh viên của mình. Từng thế hệ sinh viên theo học đều cảm thấy biết ơn vì có những người thầy tâm huyết, luôn sẵn sàng giúp đỡ học trò của mình trở nên hoàn thiện hơn.  

Ngoại khóa sôi nổi, đa dạng và chuyên sâu

Có lẽ với các anh chị cựu sinh viên, kỉ niệm được tham gia các câu lạc bộ, được đồng hành cùng bạn bè cũng như sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô đều là ký ức đẹp tuổi thanh xuân. 

Trong ký ức của anh Hồng Nhân, kỉ niệm sâu đậm nhất là khi đăng kí vào câu lạc bộ Báo chí điều tra của Khoa Báo chí (nay là Viện Báo chí) từ những ngày đầu là sinh viên năm nhất. Khi ấy, câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC là niềm ao ước không chỉ bởi được thỏa sức trải nghiệm, khơi dậy hơn nữa niềm đam mê mà còn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các thầy cô. “Sau cuộc phỏng vấn thi tuyển thành viên vào câu lạc bộ và được cô Đỗ Thị Thu Hằng trực tiếp phỏng vấn, niềm yêu thích với nghề viết báo đã lớn nay còn cháy bỏng mãnh liệt hơn”- anh chia sẻ thêm. Trở thành một thành viên của câu lạc bộ là “điều may mắn và cơ hội để trưởng thành".

Tòa soạn Đặc san Báo chí trẻ của Viện Báo chí lại là nơi để lại nhiều dấu ấn với chị Quỳnh Trang và chị Ngọc Anh. Một câu nói của thầy Hà Huy Phượng khiến chị Quỳnh Trang nhớ mãi: “Báo chí Trẻ là ao nhỏ để các em tập bơi, sau đó sẽ sẵn sàng để đi ra biển lớn”. Giờ đây, khi chị Trang đã trở thành một phóng viên, được để tên trong nhiều bài báo, nhưng niềm vui khi có những bài báo đầu tiên ở Đặc san Báo chí trẻ vẫn đọng lại cảm xúc y nguyên. Các thầy cô luôn đồng hành cùng sinh viên, bắt tay chỉ việc để cùng làm nên một tờ báo nhưng luôn có những quy chuẩn và quy trình nghiêm khắc. Chị xúc động kể lại: “Trong buổi chia tay trước khi ra trường, thầy cô trong ban biên tập có nói, Báo chí Trẻ luôn là mái nhà chào đón các em quay trở về”.

Với chị Ngọc Anh, lật lại những hồi ức của bốn năm đại học, “hình ảnh miệt mài viết bài, biên tập bài, dàn trang chế bản bìa cùng thầy cô và các bạn” là mảnh ghép hoàn hảo nhất luôn in đậm trong tâm trí. 

Nguyễn Thu Huyền, Vũ Thu Hà - TTĐC K38

Phản hồi